Trưa một ngày cuối tháng 9, khu đầm nuôi tôm, cua rộng 20ha của gia đình anh Nguyễn Viết Đạt (SN 1988) nằm sát sông Mã ngập ngụa trong lớp bùn đất. Gương mặt thẫn thờ, anh Đạt chèo chiếc thuyền nan đi dọc đầm nuôi, cố cứu vớt số ít tôm, cua còn sót lại sau trận lũ lịch sử, nhưng chẳng được là bao.
Rạng sáng 24/9, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Mã dâng cao, tràn vào đầm nuôi, anh Đạt và người thân trong gia đình chỉ kịp di dời đồ đạc trong gian lều tạm, sơ tán đàn lợn và hươu trong chuồng lên cao. Khi chạy ra đầm tôm, anh hốt hoảng phát hiện cống điều tiết bị vỡ, nhưng bất lực vì nước dâng cao, chảy xiết.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, cả đầm ngập trắng. Tôi và bố cố gắng đắp lại bờ cống nhưng nước lũ quá mạnh, chẳng thể cứu vãn được. Trong đêm, nhìn đầm ngập trắng, tôm, cua trôi theo dòng nước mà lòng đau như cắt”, anh Đạt nhớ lại.
Chủ đầm tôm cho hay, nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm ven sông Mã, gia đình anh không ít lần phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Nhưng trận lũ vừa qua là lần thiệt hại nặng nề nhất với gia đình anh.
“Như mọi năm, nước chỉ ngập mấp mé bờ. Năm nay nước ngập trắng băng cả cánh đồng, vụ này mất trắng, không cứu vãn được chút nào. Tính sơ bộ có khoảng 1 tấn cua, 5 tạ tôm sú, hơn 300 gốc bưởi diễn và mít thái sắp đến vụ thu hoạch bị thiệt hại. Ước tính vụ này gia đình tôi mất gần 2 tỷ đồng”, anh Đạt chua xót nói.
Theo anh Đạt, nhiều năm qua, cả gia đình anh với 3 thế hệ, gần 20 nhân khẩu sống dựa vào thu nhập từ đầm tôm. Trước đây, tôm, cua được giá, thời tiết thuận lợi, cuộc sống cũng tạm ổn định. Nhưng vài năm trở lại đây, khu đầm xuống cấp, tôm, cua thường xuyên dịch bệnh nên anh thua lỗ.
Vừa qua, anh mạnh dạn vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để cải tạo lại khu nuôi, mở rộng quy mô. Tuy vậy, khi chưa kịp đến vụ thu hoạch thì nay mất trắng, khiến cả gia đình lao đao, suy sụp.
“Hiện mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng gần 10 triệu đồng, kèm theo đó là chi phí lo sinh hoạt cho gần 20 người trong gia đình, tiền lương 7 lao động tại đầm. Mấy hôm nay tôi gần như không chợp mắt.
Mình mất của đã đành, giờ anh em lao động cũng mất công ăn việc làm. Chỉ mong sao nước rút nhanh, nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời để chúng tôi sớm tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống”, anh Đạt tâm sự.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Thanh Hóa, cho biết trận lũ vừa qua khiến hơn 45ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phường Quảng Phú bị mất trắng.
Theo ông Hòa, đa số các hộ nuôi trồng thủy sản tại phường Quảng Phú đều canh tác theo kiểu quảng canh. Nước sông dâng cao khiến các đầm nuôi mất trắng.
“Hai ngày qua, bên cạnh việc thống kê diện tích, số lượng ao, đầm thiệt hại, chúng tôi cũng thường xuyên động viên người dân khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh ao đầm để sớm canh tác trở lại. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đang tìm các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại sau thiên tai”, ông Hòa nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm