Vay tiền cứu voi
Ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, ông Phan Đắc Mậu Đại (46 tuổi) được mệnh danh là người tái sinh động vật.
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên ngành thú y, ông Đại được một cơ sở du lịch tại Lâm Đồng tuyển dụng vào làm việc. Thời gian này, ông được phân công chăm sóc sức khỏe cho đàn thú, đặc biệt là voi đang được nuôi nhốt tại đây. Về sau, ông tiếp tục học rồi tốt nghiệp chuyên ngành Thú y tại Trường đại học Nông lâm TPHCM.
Nói về hành trình tái sinh động vật quý hiếm, ông Đại thổ lộ, năm 2002, khi đang khám bệnh cho đàn thú ở công ty, một người từ khu du lịch khác ở Đà Lạt (Lâm Đồng) tìm đến, nhờ chữa bệnh cho voi. Hồi đó, voi hàng chục tuổi của vị khách bị bệnh đường ruột suốt nhiều tuần, rơi vào tình trạng nguy cấp nhưng chưa có ai đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả.
“Lúc tôi đến khám bệnh, chủ voi chỉ hỏi có cứu được không, tiền không quan trọng. Lúc đó, tôi chẩn đoán ra bệnh và hứa với chủ voi sẽ cứu trong vòng 5 ngày. Vậy nhưng, chỉ sau 3 ngày điều trị, chú voi đã khỏe lại, ăn uống bình thường. Voi hết bệnh, vị khách trả công cho tôi 50 triệu đồng”, ông Đại chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Đại, thời điểm 2002, khoản tiền công 50 triệu đồng đối với ông là con số lớn, tương đương với khoảng 7 lượng vàng. Có được số tiền này, nam bác sĩ vay thêm 10 triệu đồng rồi mua nhà, đất tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, ổn định cuộc sống.
Đến năm 2005, khi hay tin cá thể voi của một hộ dân ở Đắk Lắk ốm yếu, ông Đại sang tận nơi để thăm khám. Tại đây, biết tin chủ voi muốn chuyển nhượng nên ông về thế chấp nhà, đất cho ngân hàng, vay mượn thêm tiền để mua voi. Sau khi gom đủ 100 triệu đồng, nam bác sĩ làm việc với người chủ và thực hiện các thủ tục pháp lý, đưa voi về nuôi dưỡng.
Theo bác sĩ Đại, voi lạ nơi ở, lạ người nên những ngày đầu, ông khó tiếp cận chăm sóc. Để công việc thuận lợi, ông lại lặn lội sang Đắk Lắk tìm gặp chủ, nhân viên cũ chuyên chăm sóc cho chú voi để nắm bắt thông tin.
“Sau nhiều lần trò chuyện, nam nhân viên mới tiết lộ cho tôi về việc chú voi bị mù 2 mắt. Do vậy, khi cảm nhận mùi lạ, vật lạ, voi sẽ đề phòng, thậm chí có hành động phản ứng khi có người đến gần. Khi biết voi bị mù, tôi đã rất sốc vì bản thân bị chủ voi lừa dối. Vậy nhưng, mọi sự đã rồi nên tôi quyết định thuê nam nhân viên quản voi sang trực tiếp chăm sóc”, ông Đại nói.
Trong năm 2005, ông Đại quyết định nghỉ việc tại công ty du lịch rồi chuyển sang trồng cà phê, kinh doanh bất động sản. Đây cũng là thời gian ông bắt tay vào thực hiện ý tưởng xây dựng vườn thú gia đình.
Năm 2007, khi hay tin một đoàn xiếc muốn chuyển nhượng chú voi ốm yếu nên ông Đại một lần nữa đến tận nơi tìm hiểu.
“Khi đến nơi, tôi chực trào nước mắt vì chú voi kiệt quệ, không thể đứng nổi. Hôm đó, vì thương voi nên chúng tôi trao đổi nhanh mấy câu rồi làm các thủ tục pháp lý để sớm đưa voi về nhà chữa trị, chăm sóc”, ông Đại kể lại.
Về đến Lâm Đồng, chú voi được nam bác sĩ đặt tên Bắc On và tiến hành các biện pháp cứu chữa, hồi phục sức khỏe. Theo bác sĩ Đại, do Bắc On phục vụ trong đoàn xiếc và thần kinh bị ảnh hưởng bởi chất kích thích nên cùng với việc truyền dịch, tiêm kháng sinh, cải thiện chế độ dinh dưỡng, bác sĩ Đại phải lên phác đồ điều trị đặc biệt trong nhiều tháng liền.
Nam bác sĩ thú y cho biết, hiện nay, voi bị mù 2 mắt và Bắc On là 2 cá thể lớn tuổi nhất trong tổng số 7 voi ở trang trại. Bệnh của voi được kiểm soát, chế độ dinh dưỡng được đảm bảo nên cả 2 đều khỏe mạnh.
Người duy nhất ở Lâm Đồng sở hữu hổ, nuôi chồn gấu sinh sản
Tại Lâm Đồng, ông Đại là cá nhân duy nhất sở hữu 2 cá thể hổ nặng hàng trăm kg. Ông cho biết, năm 2010, một vườn thú tại TPHCM gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, bảo tồn 2 cá thể hổ nên tìm đơn vị đủ điều kiện để chuyển nhượng. Lúc này, chi phí cho việc chuyển nhượng lên đến 4 tỷ đồng.
“Vì muốn đưa hổ về Lâm Đồng, một lần nữa tôi lại thế chấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Có tiền, tôi và đơn vị chuyển nhượng làm các thủ tục pháp lý rồi chuyển cặp hổ từ TPHCM về nuôi dưỡng”, ông Đại nói.
Theo ông Đại, hiện nay, cặp hổ này là duy nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Cặp đôi “chúa sơn lâm” được nuôi nhốt chung trong không gian chuồng rộng hàng trăm mét vuông, được chăm sóc đặc biệt.
Cùng với việc tái sinh voi, bảo tồn hổ, ông Đại được mệnh danh là người “mát tay” khi nuôi dưỡng, bảo tồn, nhân giống thành công chồn gấu quý hiếm.
Năm 2007, từ cặp chồn gấu ban đầu, ông nuôi dưỡng, cho sinh sản và đến nay phát triển thành đàn 40 cá thể.
Sau gần 10 năm, gia đình ông Phan Đắc Mậu Đại xây dựng vườn thú với quy mô 10ha. Ông Đại hiện nuôi dưỡng, bảo tồn gần 1.000 cá thể động vật quý hiếm các loại. Trong đó 7 con voi, 2 hổ, 30 cá sấu, 7 vượn…
Một cán bộ xã Hiệp An, huyện Đức Trọng xác nhận, việc nuôi nhốt, bảo tồn động vật của gia đình ông Phan Đắc Mậu Đại được cơ quan chức năng cấp phép. Toàn bộ động vật tại đây đều có giấy tờ, pháp lý rõ ràng.
Được biết, hiện nay, cùng với việc nuôi dưỡng, bảo tồn động vật, gia đình ông Phan Đắc Mậu Đại mở cửa vườn thú để du khách trong, ngoài nước tham quan, trải nghiệm. Vườn bảo tồn động vật kết hợp dịch vụ du lịch của bác sĩ thú y cũng tạo công ăn việc làm cho 40 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm