Ngày 7/10, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – đã ký báo cáo kết quả về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh này, từ năm 2023 đến ngày 30/9.
Theo báo cáo, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, tàu cá của tỉnh này vẫn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt rất cao.
Ở một số thời điểm trong năm 2023-2024, tàu câu mực của các xã Tam Giang, Tam Quang và Tam Hải (huyện Núi Thành); xã Bình Minh (huyện Thăng Bình), mất tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều buổi làm việc, mời người nhà chủ tàu, thuyền trưởng các tàu nói trên để thông báo tình hình, phổ biến quy định pháp luật, chế tài xử lý vi phạm, yêu cầu người nhà nhanh chóng kêu gọi, động viên thuyền trưởng mở lại máy giám sát hành trình…
Ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá QNa 91… với số tiền 135 triệu đồng về hành vi sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam phối hợp kiểm tra, xử lý trên 145 vụ về khai thác IUU; xử phạt vi phạm hành chính 100 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 2,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (61/99 vụ).
Tính đến ngày 30/9, tỉnh Quảng Nam còn 724 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép); trong đó, huyện Núi Thành nhiều nhất với 515 tàu.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân còn một số tàu cá chưa được cấp phép do đã thực hiện mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ; chủ tàu tự ý thay máy, cải hoán tàu nên không đủ điều kiện đăng kiểm;
Tàu cá đã bị hỏng không thể hoạt động, chìm, xả bản nhưng chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký theo đúng quy định; tàu cá đậu ở các bãi ngang, khi đi khai thác thủy sản không qua trạm kiểm soát của biên phòng nên người dân không chủ động thực hiện thủ tục cấp phép lại;
Còn một số tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng khơi do chưa đủ các điều kiện cấp phép nên chưa thực hiện các thủ tục để cấp lại giấy phép.
Về lý do tàu cá “3 không” còn nhiều, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng do phát sinh mới tàu cá dưới 12m; nhiều ngư dân đã được địa phương hướng dẫn, thực hiện các thủ tục hồ sơ, chỉ chờ nộp lên hành chính công để được cấp phép nhưng ngư dân không chủ động thực hiện;
Tỉ lệ sản lượng hải sản khai thác được giám sát qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh; nhóm tàu chụp mực, câu mực khơi có khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài, nguy cơ cao bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, xử lý.
Ngoài ra, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tình trạng một số tàu làm nghề lưới chụp mực, lưới vây, câu… không mở máy giám sát hành trình để khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng lộng, vùng bờ còn diễn ra phổ biến.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm