Thảo luận tổ tại Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu thực trạng “thất thoát nhân lực” trong khu vực công, có năm lên đến 40.000 cán bộ, công chức, viên chức chuyển việc, số này giảm xuống khoảng 11.000 người năm 2023. Trong số công chức, viên chức chuyển ra ngoài khu vực tư có nhiều người trình độ cao.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc thu hút nhân tài vào khu vực công cũng có những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương có chính sách thu hút nhưng cũng không tuyển được nhân tài nào trong 5 năm.
Theo đại biểu, khi đặt vấn đề với sinh viên chất lượng cao, các em đều hỏi về mức lương được chi trả khi làm việc.
“Như bây giờ, mức lương khởi điểm rõ ràng không đủ để thuê nhà ở các thành phố lớn. Thậm chí có những em còn bảo lương một tháng khoảng hơn 5 triệu không mua được một cặp vé xem ca nhạc chứ đừng có nói đến chuyện thưởng thức văn hóa nghệ thuật…
Với mức lương như thế thì rõ ràng không thể nào thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực nhà nước”, ông Hoàng Minh Hiếu nêu thực trạng.
Cũng theo đại biểu, sinh viên mới ra trường có xu hướng ở lại các thành phố lớn – nơi có cơ hội việc làm tốt hơn và làm khu vực tư nhiều hơn là khu vực công.
Một báo cáo nghiên cứu gần đây cho biết khoảng 70% sinh viên vừa ra trường có xu hướng thích làm việc ở khu vực tư hơn ở khu vực công. Như vậy sẽ rất khó khăn trong nâng cao chất lượng của khu vực công.
“Chúng ta xác định thể chế vẫn là “điểm nghẽn”, nếu không có những người có năng lực hoạch định chính sách hoặc hoạch định chưa phù hợp thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội”, ông Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng băn khoăn về việc khuyến khích thế hệ trẻ mới ra trường, đang đầy nhiệt huyết, dễ rèn luyện, dễ đi theo cái mới… vào phục vụ trong hệ thống công lập.
Trước mắt là ký hợp đồng, trong khoảng thời gian khi làm việc thấy đạt được chất lượng, có phẩm chất phù hợp thì tạo điều kiện để những bạn trẻ đó thi biên chế.
Vấn đề lương, bà Lan cho biết, việc áp dụng tăng lương 30% rất đúng lúc, giống như “hạn hán gặp mưa rào”. Tuy nhiên, hệ số lương “vẫn không có đường ra” cho những cán bộ trẻ. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc tăng này chưa thật sự mang lại được những động lực lớn đối với người trẻ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định ngành y tế, giáo dục có đặc thù nên nếu để 2 ngành này tự lo thì “giáo dục sẽ ăn trên học sinh và y tế ăn trên người bệnh”.
“Nói thẳng là như vậy nên chúng ta không thể để tự lo một cách vô tổ chức được và đã diễn ra những hệ lụy như thời gian qua báo chí phản ánh. Rất đau xót”, bà Lan nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, không đồng ý với ý kiến cho rằng với đãi ngộ hiện nay “thầy cô giáo đã giàu lắm rồi, đi xe hơi vào trường”. Bởi, đi ô tô không đánh giá được giàu hay nghèo và đó chỉ là thiểu số.
“Cái chúng tôi cần là phải sống được bằng lương, đặc biệt là với những cán bộ y tế, giáo dục trẻ mới ra trường. Sau bao nhiêu năm làm việc, cống hiến, bậc lương tăng còn đỡ hơn, nhưng một người trẻ vừa ra trường, đầy nhiệt huyết, là lúc họ có những quyết định để bắt đầu cho cả cuộc đời sau này”, bà Lan nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm