Anh Trần Văn Mân, một thương lái thu mua cau tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, giá cau tăng cao liên tục trong nhiều tháng qua, xoay quanh mức 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, cách đây 2 tuần, giá cau đột ngột “lao dốc”. Các chủ vựa thu mua với giá chập chờn, thay đổi theo ngày, có nơi còn tạm đóng cửa khiến người buôn nhỏ lẻ như anh Mân cũng không dám đến vườn của người dân thu hái vì sợ lỗ vốn.
“Hiện nay thương lái Trung Quốc kén chọn hơn trước nên đa số các lò cũng không thu mua cau tươi ồ ạt, chỉ mua cau đẹp về sấy để trữ. Mấy hôm nay, giá đã tạm bình ổn nên chúng tôi bắt đầu đi hái cau trở lại”, anh Mân chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, những ngày gần đây, tại tỉnh Quảng Nam, giá cau tươi mua tại vườn 25.000-30.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với thời điểm nửa đầu tháng 10.
Bà Nguyễn Thị Mười, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên có 150 cây cau đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi cây có thể thu 4-5 lứa quả, mỗi lứa một buồng nặng 3-5kg.
Từ tháng 6 đến nay, bà Mười bán cau với giá 45.000-70.000 đồng/kg (cau chưa tách ra khỏi buồng tại vườn). Thế nhưng, nửa tháng qua, giá cau “tụt dốc” quá nhanh khiến bà cũng có phần bất ngờ.
“Đầu tháng 10, một tạ cau tươi gần bằng chỉ vàng. Cách đây một tuần, tôi còn bán với giá 40.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 28.000 đồng/kg. Cũng may đã cuối mùa và tôi cũng đã bán 3-4 lứa quả khi giá cao, không thì tiếc lắm”, bà Mười nói.
Dù giá cau tươi lao dốc, nhưng ông Phan Văn Hay, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên vẫn lạc quan, bởi theo ông giá cau tăng rồi giảm là chuyện xảy ra thường xuyên những năm qua.
Theo ông Hay, nhiều năm trước, giá cau bấp bênh, thậm chí có thời điểm chỉ 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, từ đầu vụ giá cau đã lên tới 30.000 đồng/kg và neo cao trong thời gian khá dài. Gia đình ông có 200 cây cau đang ra trái và đã bán được hơn 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh – cho biết, địa phương có hơn 1.000 hộ dân trồng cau với khoảng 52.000 cây, sản lượng bình quân đạt gần 520 tấn/năm.
Thực tế, mô hình trồng cau giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập tương đối khá. Riêng năm 2024, người dân lãi 30-40 triệu đồng/vườn, cá biệt có hộ 80-100 triệu đồng/vườn. Cây cau góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.
“Trái cau chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, giá cả khá bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Địa phương không khuyến khích người dân phá bỏ các cây khác để trồng cau, chỉ nên tận dụng diện tích đất bạc màu, đất đồi… để cải thiện thêm kinh tế”, đại diện lãnh đạo địa phương nói.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam có gần 1.000ha trồng cau, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tiên Phước, Bắc Trà My, Duy Xuyên. Sản lượng bình quân đạt gần 8.000 tấn/năm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm