Đam mê và cơ duyên
Gắn bó với nghệ thuật tạo hình nói chung và tiểu cảnh nói riêng tới nay đã được 10 năm, anh Hoàng Anh Tuấn (33 tuổi, ở Hà Nội) đã trải qua nhiều phương pháp và giai đoạn thử nghiệm.
Từ đây, anh tìm thấy niềm đam mê trong việc làm tiểu cảnh – nơi nghệ thuật và kỹ thuật kết hợp để tạo ra những không gian nhỏ xinh đầy mê hoặc.
Anh chia sẻ: “Khoảng 5-6 năm trước, khi công nghệ in 3D bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, tôi nhận ra tiềm năng ứng dụng của công nghệ này vào việc làm tiểu cảnh. Lúc đó chưa ai đi theo hướng này, nên tôi tin đây là cơ hội đặc biệt với mình”.
Ban đầu, khi ứng dụng công nghệ in 3D vào sản phẩm, anh gặp phải hàng loạt thử thách, từ thiếu tài liệu tham khảo, không có đội ngũ hỗ trợ cho đến áp lực tài chính. Thậm chí, không ai hiểu được ý tưởng của anh, dẫn đến những lần thất bại khi thuê thợ vẽ đồ họa.
Không nản lòng, anh Tuấn quyết định tự học, nắm bắt từng bước trong quy trình để hiện thực hóa ý tưởng của mình. “Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy đó chỉ là thử thách, khi vượt qua rồi, cảm giác rất thỏa mãn”, anh tâm đắc.
Ngay cái tên Thiên Mộc anh chọn cũng gửi gắm mong muốn truyền tải cả chất nghệ thuật và tính chất mộc mạc, chân phương của các sản phẩm. Sự chọn lựa này không chỉ thể hiện triết lý làm nghề mà còn thể hiện ý nguyện được mang lại sự bình yên và thư thái cho khách hàng khi ngắm nhìn tiểu cảnh.
Thu nhập khủng từ công nghệ mới
Với sự trợ giúp của công nghệ in 3D, quy trình làm tiểu cảnh của anh đã đạt độ tinh xảo mà các phương pháp thủ công trước đây không thể đáp ứng, đặc biệt là các chi tiết cực kỳ nhỏ, mang lại độ hoàn thiện cao cho tác phẩm, đồng thời giữ giá cả hợp lý cho khách hàng.
Hiện nay, anh cung cấp các sản phẩm tiểu cảnh với đa dạng mức giá từ 500.000 đồng tới 500 triệu đồng. Anh Tuấn lý giải: “Tôi nghĩ mỗi phân khúc sản phẩm đều có những khách hàng riêng nên điều quan trọng là tạo ra sản phẩm vừa đáp ứng thị trường, vừa thỏa mãn được sự sáng tạo”.
Trong đó, các thiết kế tiểu cảnh dưới 5 triệu đồng như “Thạch Giới”, “Đảo Mặt Trăng” hay “Quê Nhà” là những sản phẩm bán chạy nhất bởi mức giá phù hợp với phần đông khách hàng.
Mỗi sản phẩm sẽ mất 2-5 tháng để hoàn thiện tùy độ phức tạp. Nhờ ứng dụng công nghệ, anh đã tăng số lượng chỉ 5-6 tiểu cảnh mỗi tháng lên mức 300-400 sản phẩm. Trong những tháng cao điểm như dịp lễ, xưởng của anh có thể đạt năng suất 1.000 tác phẩm.
Nhờ đó, anh có thể có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng, cao điểm lễ tết có thể tăng gấp 2-3 lần, tăng trưởng vượt bậc so với mục tiêu ban đầu.
Trong hành trình nghề nghiệp, dấu ấn sâu đậm nhất với anh là tiểu cảnh “Bích Thủy Nhai”, khi lần đầu anh ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR vào sản xuất.
Anh kể: “Khi hoàn thành Bích Thủy Nhai vào đúng thời điểm đặc biệt khó khăn khi dịch Covid-19 đang hoành hành, tôi tưởng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội giới thiệu nó. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, phản ứng tích cực từ công chúng đã hồi sinh hy vọng trong tôi. Đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong nghề”.
Trải qua nhiều thử thách, đến nay anh Tuấn đã đạt được những thành công đáng kể. Dù vậy, ông chủ trẻ không ngừng học hỏi để cải tiến sản phẩm. Anh tâm niệm, thành công không chỉ nằm ở doanh thu mà còn từ việc mang lại không gian nghệ thuật ý nghĩa, giúp khách hàng tìm thấy bình yên trong cuộc sống.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm