Biến động trong thị trường lao động
Thảo luận về kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho biết, theo Tổng cục Thống kê, có khoảng 33 triệu lao động tự do, chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước.
Theo đại biểu, điều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, chiếm tới 97,9%. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 đã có những quy định ưu tiên việc bảo vệ quyền lợi của người lao động như là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, bà Thủy cho hay, theo báo cáo đa phần trong số này chưa tiếp cận được các điều kiện về an sinh xã hội, chưa được ký hợp đồng, chưa được tham gia bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội.
Nguyên nhân là đặc thù lao động phi chính thức, lao động tự do di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định. Vì vậy, nhiều lao động khó có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bà Thủy cho hay, tỷ lệ số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành dệt may vẫn đứng trước khó khăn, thiếu lao động do năm 2023 phải thu hẹp sản xuất. Lao động về quê hoặc tìm được việc làm mới không quay trở lại.
“Tình trạng người lao động làm việc thời gian ngắn rồi xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã gây ra biến động lao động, tăng lực lượng lao động phi chính thức”, đại biểu nêu thực trạng.
Từ thực tế trên, đại biểu Bình Định kiến nghị cần phải có giải pháp cập nhật, quản lý dữ liệu thông tin về lao động phi chính thức. Trên cơ sở đó, đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách được hưởng trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi lần này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động.
Cơ quan quản lý cần đề ra các giải pháp cụ thể để lao động phi chính thức, nhất là các lao động phi chính thức dịch chuyển tạm thời khi mất việc làm tại thành phố lớn, các doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động và ngược lại.
“Trên cơ sở đó có sự phân tích và có giải pháp cụ thể, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp, các chính sách hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ họ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức”, bà Thủy kiến nghị.
Đạt chỉ tiêu năng suất lao động
Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 3 năm không đạt thì năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đại biểu cho biết đây là khía cạnh đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của Chính phủ thì năng suất lao động và chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, chưa đáp ứng yêu cầu dẫn dắt, phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế.
“Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì xét đến cùng thì năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, vì chỉ tiêu này gắn liền với tốc độ tăng trưởng và quy mô của một nền kinh tế”, ông Dương Khắc Mai cho hay.
Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm