Ngày 7/11, tỉnh Quảng Nam tổng kết đánh giá đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2022-2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2022-2024 mỗi năm có trên 1.400 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 163,4% so với giai đoạn 2016-2020. Thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào…
Theo ông Quý, các thị trường người lao động đến làm việc đều đáp ứng được tiêu chí như thu nhập ổn định, điều kiện làm việc đảm bảo, đa số người lao động có tích lũy vốn sau khi về nước.
Ông Đặng Duy Ba, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết, giai đoạn 2022, có 200 lao động tại huyện này đi làm việc ở nước ngoài, có 300 lao động đang đào tạo để chuẩn bị cho năm 2025.
Theo ông Ba, người lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My chủ yếu đi làm việc ở các nước Hàn Quốc, Nga…
“Chương trình lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với mức lương 35-42 triệu đồng/tháng, chưa trừ chi phí sinh hoạt. Đây là mức thu nhập cao đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững”, ông Đặng Duy Ba nói.
Ông Ba cho rằng, cần tăng cường, phối hợp truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho lao động theo chính sách “mưa dầm thấm lâu”; tìm kiếm các doanh nghiệp có uy tín nhằm phối hợp, tư vấn để đảm bảo cho người lao động có cơ hội việc làm tốt, mang lại thu nhập ổn định.
Chính quyền cần định hướng cho người lao động lựa chọn thị trường và công việc phù hợp với trình độ…
Theo ông Châu Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, lao động của địa phương chủ yếu đi làm tại các nông trường ở nước bạn Lào, lương cơ bản 9-12 triệu đồng đối với người lao động phổ thông; 12-15 triệu đồng đối với tổ trưởng, chưa tính thời gian làm thêm giờ. Các lao động ở nước ngoài đa số đã gửi tiền về gia đình mua sắm, có gia đình xây dựng nhà kiên cố.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn một số hạn chế, đó là số lượng người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa tương xứng với tiềm năng; số lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước khởi nghiệp thành công chưa nhiều…
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – đề nghị các địa phương cần tập trung đánh giá sâu, phân tích kỹ công việc này từ đầu năm và những tháng cuối năm; đồng thời chuẩn bị cho các năm đến.
Ông Tuấn đề nghị thông qua doanh nghiệp, các địa phương tìm hiểu ngành nghề, thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng và lợi thế người lao động; giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp tuyển dụng và doanh nghiệp sử dụng lao động.
Cần tuyên truyền để người lao động thực hiện tốt các quy định của địa phương sở tại, tuân thủ nghiêm kỷ luật lao động và tiết kiệm khi ra nước ngoài làm việc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm