Khác với giống cau trái dài được trồng ở miền Bắc, miền Trung có thị trường tiêu thụ rộng lớn, chủ yếu xuất khẩu, giá trị sử dụng đa dạng, ở miền Tây nông dân thường trồng giống cau trái tròn, có giá trị thẩm mỹ cao, đa phần phục vụ thị trường trong nước. Dù vậy, loại cau trái tròn vẫn luôn được nhiều thương lái tìm mua, đặc biệt năm nay giá khá cao.
Giá cau tăng liên tục làm người dân phấn khởi (Ảnh: Bảo Kỳ, Bảo Trân).
Nông dân kiếm trăm triệu nhờ giá cau tăng
Tại Kiên Giang, cau không nằm trong nhóm cây chủ lực, được nông dân trồng xen canh làm tăng chất lượng của khóm (dứa). Tuy nhiên, việc các thương lái đang đổ về tận các vườn trồng để thu gom cũng khiến giá cau “nhảy múa” liên tục. Nông dân cũng phấn khởi vì hầu hết các vườn cau đang thu hoạch đều đã có đơn đặt hàng của thương lái.
Theo UBND xã Bình An (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), xã có hơn 1.200ha cau được trồng ở 9 ấp, trong đó ấp An Lạc nhiều nhất với 427ha.
Theo ông Dư Văn Thái (77 tuổi, ở ấp An Lạc), vườn cau nhà ông rộng khoảng 2ha, từ đầu năm đến nay cho năng suất đạt hơn 20 tấn, mang về thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Ông Thái cho biết, giá cau tươi tại miền Tây được ghi nhận tăng từ tháng 6, đạt ngưỡng hơn 40.000 đồng/kg vào thời điểm trung tuần tháng 10 vừa qua. Trước đây, cau tươi được thu mua không quá 15.000 đồng/kg.
“Cây cau không chiếm quá nhiều diện tích. Người trồng không phải đầu tư nhiều, kể cả tiền bạc lẫn công sức. Giá cau cũng trồi sụt liên tục nên bà con địa phương đã quen và lựa tình hình để bán cau sao có lãi nhất”, ông Thái nói.
Cứ khoảng 15 ngày, ông Thái thu hoạch cau một lần, sau đó phân loại ra theo kích cỡ và chất lượng. Cau non được lựa chọn ra để xuất khẩu, các loại khác sẽ bán ở thị trường trong nước. Với giá bán 20.000 đồng/kg, theo ông Thái nhà vườn đã có lời.
Theo ghi nhận, cau non loại khoảng 60 trái/kg đang được nông dân bán cho thương lái với mức 25.000 đồng/kg trở lên, mức này cao hơn gấp 2 lần so với thời điểm giữa năm 2023.
Ông Thái cho hay, việc cau liên tục tăng giá là do tác động lớn từ thực trạng cau Vạn Ninh (Trung Quốc) bị nhiễm bệnh vàng lá, sản lượng cau tụt giảm mạnh khiến quốc gia này phải tăng cường nhập khẩu cau từ các quốc gia khác, trong đó Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ từ thị trường tiêu thụ tăng cao khiến giá cau cũng tăng theo.
Sau khi thu mua tại vườn, thương lái sẽ chở đến điểm tập kết, luộc trong khoảng 2 giờ rồi tách quả và sấy khô. Thông thường, 5-7kg trái tươi mới cho ra 1kg cau khô.
Tại Sóc Trăng, cau chủ yếu được trồng xen canh vào các vườn cây ăn trái có múi ở huyện Kế Sách và Long Phú với mục đích che nắng và tận dụng diện tích đất thừa.
Dù cùng trồng cau tròn nhưng giá cau ở Sóc Trăng nhỉnh hơn giá cau ở Kiên Giang từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Lý do, một số doanh nghiệp ở Sóc Trăng đã đầu tư cơ sở sơ chế cau nên cau được sơ chế trước khi xuất khẩu nên khi bán được giá hơn.
“Hồi giữa tháng 10, giá cau ở Sóc Trăng được thương lái thu mua khoảng 30.000 đồng trở lên. Cây cau cho trái ổn định khi cây trồng được 5-7 năm, năng suất đạt 15-20 tấn/ha. Ngành nông nghiệp không khuyến khích nông dân tăng diện tích cau và đây không phải là loại cây chủ lực của địa phương”, một nông dân ở tỉnh Sóc Trăng nói.
Ngoài Kiên Giang, Sóc Trăng, nhiều thương lái còn tìm đến một số nhà vườn ở Hậu Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ để thu mua cau.
3 ngày kiếm được hơn 4 triệu từ việc hái cau
Giá cau tăng, nghề hái cau cũng đang được thanh niên lựa chọn, anh Lý Văn Đạt (33 tuổi, ở ấp An Lạc, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho hay, trong vòng 3 ngày anh và một người cộng sự có thể kiếm từ 2-4 triệu đồng.
“Chúng tôi có 2 người, từ 2 đến 3 ngày là hái hết vườn. Tiền công hơn 4 triệu đồng, chia ra mỗi người được hơn 2 triệu đồng/1 vườn”, anh Đạt nói.
Theo anh Đạt, tiền công hái khoảng 3.000 đồng/kg, hiện nay giá cau tăng mạnh, chi phí thu hái tăng nên có thể kiếm được 500.000-600.000 đồng/ngày. Nếu thạo nghề, bẻ nhanh, mỗi thợ sẽ hái được từ vài trăm kg đến 1 tấn cau/ngày.
Khi hái cau, người thợ phải lồng dây nài vào hai bàn chân rồi bám vào thân cây cau leo tới đọt (ngọn) cây. Những người thợ thuần thục còn có kỹ năng chuyển từ ngọn cây này sang ngọn cây khác ở độ cao hơn 10m.
“Nghề leo cau sợ nhất là gặp trời mưa vì thân cây trơn. Để đỡ vất vả, người thợ đứng dưới gốc cau rồi dùng sào gắn lưỡi hái để móc buồng cau, tuy nhiên với những buồng cau đẹp thì phải trèo lên đọt để hái, tránh trái bị dập để chủ nhà bán giá cao hơn”, anh Đạt thông tin thêm.
Anh Đạt cho biết, khi mới vào nghề mỗi ngày anh leo được 20 cây, đến nay anh có thể leo cả trăm cây.
Giá cau non tăng liên tục cũng là động lực kiếm tiền của nhiều nông dân miền Tây. Nhiều người sau khi lo xong việc đồng áng cũng đi thu mua cau non về bán lại kiếm lời. Ông Quách Văn Ân (45 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết, một ngày ông thu gom được hơn 50kg cau tươi, về bán lại cho cơ sở chế biến cau sấy khô cũng kiếm được từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm