Ông chủ mắc “bệnh” cầu toàn
9h, khi quán nem nướng trên đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn chưa đón khách, chỉ có chủ tiệm và 6 nhân viên đang loay hoay kiểm tra hàng, chuẩn bị mở cửa quán một cách chu toàn nhất.
Chủ quán, anh Phạm Văn Ngà, bộc bạch sự chỉn chu ấy là một trong những thứ khiến quán nem nướng của anh trở nên đặc biệt hơn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường khốc liệt như hiện tại.
Chỉ tay về phía quầy bếp, anh Ngà cho hay thịt heo luôn được lấy từ lò mổ lúc sáng sớm, rau sạch nhập từ nông trại ở Đà Lạt, bánh tráng thì được mua ở Tây Ninh.
Riêng phần nước chấm nem nướng, “cái hồn” của món ăn, anh Ngà tự pha chế ngay tại xưởng với 10 loại gia vị khác nhau. Trong đó, thành phần quan trọng nhất chính là nước mắm nguyên chất mua từ Phan Thiết.
Anh Ngà bật mí rằng nước chấm được anh pha theo công thức gia truyền của bà nội để lại cho gia đình từ năm 1968. Anh Ngà đã điều chỉnh lại cho hợp vị của thực khách miền Nam.
Anh cho biết trong kinh doanh ẩm thực, khó khăn là đồng bộ chất lượng, hương vị món ăn cho tất cả các cửa hàng. Vậy nên anh đã đầu tư một khu xưởng rộng, với đầy đủ máy móc, thiết bị cho việc chế biến nguyên liệu, đóng gói rồi chuyển đến nhà hàng cho nhân viên đứng bán.
Nhờ mắc “bệnh” cầu toàn, 10 quán nem nướng trên địa bàn TPHCM của anh Ngà luôn được thực khách ủng hộ. Giá của mỗi phần ăn là 75.000 đồng, với đầy đủ món ăn kèm gồm bánh tráng, nem nướng, bánh giòn và các loại rau sạch.
Doanh thu của mỗi quán đạt tối thiểu hàng trăm triệu đồng/tháng. Vào những tháng cao điểm có nhiều dịp lễ hội, doanh thu có thể tăng gấp 3 lần. Mỗi quán phải có ít nhất 5-6 nhân viên thì mới kịp phục vụ lượng khách đông.
Niềm tin vào bản thân
Năm 2017, anh Ngà theo học ngành điều khiển và quản lý tàu biển tại trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM. 5 năm sau, anh tốt nghiệp và trở thành một trong những thủy thủ trẻ tuổi, bắt đầu ngày tháng lênh đênh trên biển khơi.
Từ một thủy thủ thực tập được trả 400 USD/tháng, anh Ngà bắt đầu có mức lương 1.200 USD/tháng vào thời điểm năm 2012, chỉ sau vài tháng được tăng cấp bậc.
Nhớ về ngày tháng rong ruổi trên con tàu lớn, đi vòng quanh thế giới, anh Ngà bộc bạch đó là cảm giác cô đơn và vô định nhất mà anh từng trải qua. Công việc trên tàu thường nặng nhọc và không kém phần nguy hiểm. Nếu không may sơ sẩy, anh không thể trở về gặp mặt gia đình nữa.
Sau 1 năm làm thủy thủ, bạn gái (vợ hiện tại) khuyên anh nên tìm một công việc gần nhà, để có thể lui tới chăm sóc gia đình. Nghe vậy, anh trở về với chiếc túi rỗng mà không nhớ mình đã dùng hàng nghìn USD tiền lương trước đây cho việc gì.
Không còn tiền, chàng trai bắt đầu đi làm công nhân ở Bình Dương, sau vài tháng lại trở thành nhân viên tư vấn bán hàng. Từ một thủy thủ lương cao ngất ngưởng thành công nhân, nhân viên văn phòng lương ba cọc ba đồng, anh Ngà luôn cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Tuy nhiên, anh có niềm tin rằng mọi sự lựa chọn của mình là đúng đắn.
Một thời gian sau, anh may mắn được giới thiệu về làm Trưởng phòng tại Tân cảng Sài Gòn, đúng với chuyên môn. Sau nhiều năm làm việc, anh bắt đầu kết hôn, có gia đình riêng. Công việc ổn định, thu nhập cao nhưng vô cùng bận rộn. Anh phải làm việc từ 8h đến 20h, thậm chí đến rạng sáng hôm sau mới xong.
Ngẫm thấy không có thời gian chăm sóc vợ đang mang thai, anh Ngà liền nghĩ ngay đến chuyện khởi nghiệp để nhanh làm chủ, được ở gần vợ hơn.
Anh chọn món nem nướng mà gia đình đã kinh doanh từ thời bà nội để khởi nghiệp. Ở quê nhà D’Ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), quán nem nướng của gia đình anh vốn nổi tiếng với người dân bản địa và khách du lịch. Vì thế, anh mong muốn có thể quảng bá món ăn này đến người dân TPHCM.
Cầm số tiền tích cóp, anh bắt đầu đi tìm mặt bằng, thuê nhân viên, chuẩn bị nguyên liệu… để mở quán. Mọi khâu từ lặt rau, nướng nem, pha nước chấm đều do anh Ngà tự tay làm thì anh mới yên tâm.
Gọi khó khăn là thử thách vì luôn có cách vượt qua
Thời gian đầu, việc kinh doanh gặp không ít khó khăn do anh Ngà chưa từng đứng bếp. Mẹ anh phải từ Lâm Đồng vào TPHCM suốt 1 tuần để cầm tay chỉ việc.
Có lần, khi đang ngồi lặt rau giữa nhà, bố anh đã nói một câu khiến chàng trai rưng rưng nước mắt.
“Bố nói rằng tại sao cho ăn học đến nơi đến chốn, bây giờ lại ngồi ở đây lặt rau. Nghe câu đó, tôi thấy chạnh lòng lắm, nhưng một phần cũng hiểu vì bố lo lắng cho mình nên mới nói vậy”, anh Ngà xúc động, nói.
Năm đầu tiên khởi nghiệp, anh chưa biết cách tiếp cận khách hàng nên tháng nào cũng lỗ. Thấy vậy, chàng trai liền lên mạng tự học, mày mò các tài liệu, video hướng dẫn cách chạy quảng cáo, tiếp thị trên đa nền tảng số và đưa sản phẩm lên nền tảng giao hàng trực tuyến.
Dần dà, khách hàng kéo đến ngày một đông. Mặc dù trong năm đó, tháng nào cũng lỗ nhưng biên độ ngày càng giảm dần.
Tháng đầu tiên sau 1 năm lỗ kéo dài, quán bất ngờ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng và có lợi nhuận. Từ năm 2022 đến cuối năm 2033, anh Ngà đã mở được xưởng sơ chế nguyên liệu và 10 chi nhánh trên địa bàn thành phố.
Nhìn lại hành trình đầy gian nan, ông chủ tiệm nem nướng trải lòng rằng khởi nghiệp không phải chuyện đơn giản, thậm chí buộc đánh đổi bằng máu và nước mắt.
“Khởi nghiệp chính là hành trình vô cùng cô đơn mà bạn phải chấp nhận gồng gánh mọi thứ một mình, không được than vãn với ai. Nhưng đến khi hái được quả ngọt, cảm giác lúc ấy rất hạnh phúc”, anh Ngà cười, nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm