Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, việc biến động lao động trong các doanh nghiệp tại TPHCM là rất lớn, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Ước tính cứ bình quân doanh nghiệp tuyển mới 3 lao động thì có 2 lao động đang làm việc trước đó di chuyển đến nơi khác.
TPHCM cũng là nơi tập trung rất đông cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp, hầu hết thanh niên đến thành phố học tập đều ở lại nơi đây tìm kiếm việc làm. Hằng năm, TPHCM cần bố trí việc làm cho hơn 300.000 người, trong đó gần 100.000 người là sinh viên, học sinh tốt nghiệp đại học và trên 200.000 tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Trần Anh Tuấn, với nguồn cung nhân lực lớn và tỷ lệ biến động cao, sự cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả tận dụng nguồn lực lao động.
Ông Tuấn cho biết: “Dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, thông tin và định hướng phát triển các ngành nghề cho cân đối nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều nút thắt khiến ngành nhân lực mất cân đối. Trong đó có 2 nghịch lý lớn nhất là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề”.
Thứ nhất là mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề diễn ra khá phức tạp. Khảo sát cho thấy nhu cầu lao động trình độ đại học tại TPHCM hằng năm là 18-22%, trong khi trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 50% nhưng cơ cấu nguồn cung lại khác hẳn.
Tuy nhiên, trong tổng số người có nhu cầu tìm việc thì hơn 60% là có trình độ đại học trở lên. Trong nhóm lao động trình độ đại học tìm việc có hơn 70% là sinh viên, học sinh các tỉnh thành phố khác đến học tập, tốt nghiệp và có nhu cầu ở lại thành phố làm việc.
Thứ hai là dù thành phố đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Đó là nhân lực cho 4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh.
Thống kê nhu cầu tuyển dụng theo trình độ chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM trong tháng 10 cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật không bằng cấp của doanh nghiệp thành phố rất lớn, chiếm hơn 34% tổng nhu cầu lao động toàn thị trường.
Nhu cầu lao động trình độ đại học trong tháng 10 rất thấp, chỉ đạt gần 8% tổng nhu cầu lao động. Số còn lại là nhu cầu lao động có trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, chứng chỉ nghề).
Về cơ cấu ngành nghề, có những ngành cần hàng ngàn lao động nhưng nguồn cung rất ít. Có những ngành doanh nghiệp không cần lao động lại có rất nhiều nhân lực trình độ cao đang tìm kiếm việc làm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, công việc thống kê, dự báo thị trường; sau đó truyền thông và định hướng người lao động chọn ngành, chọn nghề, chọn trình độ nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố là rất quan trọng.
Ông nói: “Làm thế nào để tạo được nguồn nhân lực bảo đảm được các vị trí nòng cốt, ổn định trong doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm công tác chuyển giao công nghệ là điều mà TPHCM cần quan tâm”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm