Ngày 10.1, theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong những năm gần đây, số lượng lao động nhập cư có xu hướng giảm. Cụ thể, tỷ lệ tăng dân số cơ học ở TP.HCM đã giảm từ 1,7% (tương đương có từ 170.000 – 180.000 người nhập cư) vào năm 2020 xuống còn 0,67% (khoảng 65.000 người) vào năm 2023.
Doanh nghiệp thâm dụng lao động bị khủng hoảng nhân lực
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do các địa phương khác cũng đã phát triển nhiều khu công nghiệp và khu kinh tế, tạo cơ hội việc làm tương tự như TP.HCM.
Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là tiền thuê trọ, cùng áp lực công việc và cường độ làm việc lớn khiến người lao động tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến người lao động có xu hướng lựa chọn làm việc tại quê nhà thay vì di chuyển đến TP.HCM.
Kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) với khoảng 2.000 doanh nghiệp, cho thấy các ngành như dệt may, giày da, điện tử, thương mại dịch vụ, lưu trú ăn uống và xây dựng sử dụng nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là lao động phổ thông, không yêu cầu tay nghề cao. Nhiều doanh nghiệp trong số này có tỷ lệ lao động ngoại tỉnh lên đến hơn 60%.
Do đó, khi người lao động chọn quay về quê làm việc, doanh nghiệp sẽ bị biến động nhân lực, nhất là ở các ngành dệt may, giày da, bán buôn và bán lẻ.
Dấu hiệu rõ rệt cho sự biến động này là các doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng số lượng lớn nhân sự hoặc yêu cầu nhân viên làm thêm giờ. Nhiều doanh nghiệp phải tăng lương, phúc lợi và đưa ra nhiều chính sách thu hút lao động.
Ngoài ra, sự giảm sút lao động nhập cư còn kéo theo nhu cầu tiêu dùng thấp hơn, có tác động không nhỏ đến các hoạt động dịch vụ thương mại và thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Cơ hội để chuyển đổi
Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, việc dịch chuyển lao động cũng mở ra nhiều cơ hội nhất định, điển hình là tạo động lực phát triển kinh tế cho các địa phương lân cận và cân bằng phân bố dân cư. Qua đó, thúc đẩy việc nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ.
Trước một số ý kiến cho rằng việc giảm người nhập cư sẽ giúp giảm áp lực lên hạ tầng dịch vụ tại TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH cho rằng đây chỉ là tác động tạm thời. Lâu dài, việc giảm tỷ lệ nhập cư tiềm ẩn nhiều hệ quả. Do đó, sở này cho rằng TP.HCM cần tập trung vào việc phát triển hạ tầng bền vững, cải thiện quản lý đô thị, đầu tư vào giao thông công cộng và công nghệ số để thích ứng với sự phát triển dân số một cách bền vững.
Trong thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề, xúc tiến liên kết vùng để cung cấp nguồn nhân lực cho các lĩnh vực đang phát triển như công nghệ cao và kinh tế số.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội như xây nhà ở xã hội, mở rộng bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và triển khai chương trình vay vốn ưu đãi để hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm… Qua đó, tạo động lực, sự gắn bó cho người lao động khi định hướng làm việc tại thành phố.
Riêng về việc để giải quyết bài toán thiết hụt lao động trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, Sở LĐ-TB-XH cho biết UBND TP.HCM đã triển khai thực hiện Đề án Giải pháp giảm thâm dụng lao động.
Thực tế, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch dài hạn đã cải tiến dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ và tự động hóa để giảm phụ thuộc vào lao động phổ thông, hoặc chuyển nhà máy về các tỉnh.
TP.HCM khuyến khích các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sản xuất đổi mới công nghệ và giảm lao động phổ thông, quan tâm việc đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng nghề của người lao động. Đồng thời, cải thiện chính sách đãi ngộ, lương, thưởng để giữ chân lao động.
Trong khi đó, người lao động cần chủ động nâng cao chuyên môn, xây dựng thái độ làm việc tích cực và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Không nên phân biệt lao động tại chỗ hay di cư
Trước đó, vào tháng 11.2024, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo đề tài vai trò của lao động di cư trong nước đối với sự phát triển TP.HCM và giải pháp chính sách về vấn đề lao động – việc làm trong tình hình mới.
Tại hội thảo này, TS Nguyễn Thị Hoài Hương, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức về số liệu lao động di cư từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 1.200 lao động di cư đến TP.HCM, cho thấy người di cư đến TP.HCM chủ yếu vì lý do kinh tế (93,8%).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lao động di cư đang đối mặt với nhiều thách thức như chi phí sinh hoạt cao, thiếu chỗ ở, và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục.
Theo thông tin được cung cấp tại hội nghị này, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong cộng đồng lao động di cư tại TP.HCM đạt 27,23%, trong đó, có 61,81% tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 38,19% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Dù hiện nay số lượng người lao động di cư đến TP.HCM giảm, nhưng sự chuyển dịch cơ cấu lao động có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Điển hình là người di cư có trình độ học vấn cao hơn, thu nhập bình quân có xu hướng tăng, tỷ lệ tiền gửi về quê cũng gia tăng, giảm dần lao động ở các ngành thâm dụng lao động.
Theo nhóm nghiên cứu, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến lao động di cư tại TP.HCM, như một “bước ngoặt” dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Nhiều lao động di cư có xu hướng chuyển từ khu vực doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân…) sang khu vực lao động tự do.
TS Nguyễn Văn Lâm, nguyên Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng cho rằng mặc dù TP.HCM đã có các chính sách hỗ trợ như nhà ở, học phí, bảo hiểm, đào tạo nghề, nhưng việc triển khai thực tế còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của lao động di cư.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nhận định địa phương cần phải thay đổi góc nhìn và chính sách đối với lao động di cư. Ông đề nghị các cơ quan nhà nước cần có chính sách quản lý lao động tốt hơn, áp dụng quản lý thống nhất trên cả nước, không nên phân biệt địa bàn, lao động tại chỗ hay di cư.
Lao động – Tin Tức Việc làm