Ế… chưa từng có
Bước sang tháng Chạp – mùa cao điểm mua sắm Tết – nhưng không khí mua bán tại khu đình chính chợ Vinh (Nghệ An) khá trầm lắng.
Gần 16h, bà Nguyễn Thị Tám lôi cuốn sổ hàng dày cộp ra, gạch vài cái đầu dòng, đánh dấu số lượng mặt hàng bán được trong ngày. “Gần 30 năm buôn bán, trừ 2 năm Covid-19 phải phong tỏa, đóng cửa suốt, chưa bao giờ tôi thấy ế ẩm như năm nay”, bà Tám nhận định.
Bà Tám có một gian hàng bán chăn đệm, rèm cửa, khăn trải bàn ở tầng 2, đình chợ Vinh. Thời điểm năm 2005, khi chợ được xây mới, ông bà đầu tư 240 triệu đồng để mua ki-ốt kinh doanh mặt hàng này. Thời gian đầu, buôn bán thuận lợi, khách ra vào tấp nập. Đến giờ, khung cảnh hoàn toàn trái ngược.
“Ngồi cả ngày, được vài người đến hỏi mua hàng. Có hôm, cả ngày, tôi bán được mỗi chiếc khăn trải bàn 80.000 đồng. Mở ốt cho vui chứ ế ẩm lắm”, bà Tám rầu rĩ.
Hơn 16h, cả dãy ki-ốt bán quần áo gần như chỉ có người bán và phụ việc trò chuyện với nhau. Thỉnh thoảng, các ki-ốt mới có một vài khách ghé vào nhưng tỉ lệ người mua hàng rất thấp.
“Ế ẩm lắm, chưa năm nào ế như năm nay. So với trước dịch Covid-19, lượng khách của tôi giảm hơn một nửa. 8h mới mở ốt nhưng có hôm 14-15h mới ra mở hàng, 16h không thấy khách, anh chị em lại bảo nhau dọn hàng, đóng ốt (ki-ốt) đi về”, chị Hoàng Thị Nhật Lệ – bán quần áo ở tầng 2 đình chợ Vinh kể.
Theo chị Lệ, chợ truyền thống hiện bị cạnh tranh gay gắt với “chợ mạng”. Đa phần tiểu thương ở đây đã có tuổi, việc tiếp cận công nghệ hay thực hiện các buổi phát trực tiếp để bán hàng không đơn giản. Chưa kể, hầu hết tiểu thương ở đây là bán sỉ, không gian ki-ốt nhỏ, việc bán online (trực tuyến) không thuận lợi.
Bán hàng chậm, ế, khách lẻ thưa thớt, nguồn thu chủ yếu của các tiểu thương chợ Vinh là nhập sỉ cho các cửa hàng, chợ truyền thống ở các huyện nông thôn, miền núi.
Giúp vợ thu dọn hàng để đóng cửa, anh Tuấn ngán ngẩm: “Tầm này các năm trước là khách đi mua hàng Tết tấp nập rồi, cả đại lý, tiểu thương các huyện hay khách lẻ. Có hôm đến giờ chợ đóng cửa, cắt điện, chúng tôi phải bật đèn pin để bán hàng. Nay cả ngày chẳng thấy có khách, dọn hàng sớm về mà nghỉ thôi”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn nhẩm tính, so với trước đây, lượng khách mua hàng chỉ còn 30%, có thời điểm xuống 10%.
Hết thời “thách cả, trả nửa”, lượng tiêu thụ vẫn khiêm tốn
Chợ Vinh có tuổi đời gần 300 năm. Năm 2005, chợ được xây mới, gồm khu đình chính và khu chợ tạm. Chợ tạm bán bánh kẹo, sản phẩm cơ khí, rau củ. Khu đình chính gồm 3 tầng phân chia theo việc bố trí các mặt hàng sản phẩm.
Tầng 1 có diện tích hơn 8.000m2, bố trí 692 gian hàng kinh doanh vải, tạp hóa, văn phòng phẩm… Tầng 2 diện tích hơn 7.500m2, có 676 gian hàng, chủ yếu kinh doanh đồ may mặc sẵn. Tầng 3 là khu văn phòng cho thuê.
Thời điểm mới xây dựng, đây là trung tâm mua bán hiện đại, sầm uất và lớn nhất tỉnh Nghệ An. Vào dịp gần Tết Nguyên đán, lượng khách trong tỉnh đổ về ken đặc các lối đi. Người dân vừa đi sắm tết, vừa mong sống trong không khí mua bán tấp nập của những ngày cuối năm cũ.
“Cách đây khoảng 10 năm, đi chợ Vinh phải biết cách trả giá, bởi tình trạng nói thách khá phổ biến. Người ta thường truyền nhau kinh nghiệm “thách cả, trả nửa”, tức là người bán ra giá, người mua bớt một nửa thì không bị mua hớ. Hồi đó mặc dù có thể bị mua hớ nhưng người dân chủ yếu đi chợ Vinh vì ít có lựa chọn khác”, chị Dương Thị Huyền (trú tại Nghi Ân, thành phố Vinh) cho biết.
Đây là lần đầu tiên chị Huyền đi chợ Vinh sau… 3 năm. Thực ra, cũng không phải chị Huyền chủ tâm đi mua sắm mà đi chụp bộ ảnh Tết, tranh thủ ghé chợ thăm thú. Người phụ nữ này cho biết, nhiều năm qua chị thường mua quần áo tại các cửa hàng hoặc mua qua mạng xã hội, nhiều lựa chọn, mẫu mã đa dạng mà không sợ bị nói thách, mua hớ.
Khu vực bán hàng gia dụng, hàng trang trí Tết ở tầng 1 cũng khá thưa thớt khách mua. Bà Thuận có thâm niên bán hàng ở đây 15 năm, ngồi lướt điện thoại để giết thời gian.
“Có hôm 10h mà cả dãy chỉ toàn người bán, không có lấy một người mua”, bà Thuận vừa nói, vừa lôi điện thoại, mở ảnh chụp ra để chứng minh.
Theo người phụ nữ này, công việc buôn bán khó khăn là tình cảnh chung của các tiểu thương trong đình chợ. Không có khách, các tiểu thương cũng không dám nói thách nhiều.
“Một sợi dây đèn nháy này tôi chỉ lãi đúng 1.000 đồng mà bán cũng chậm lắm. Bán không được, chúng tôi cũng không dám nhập nhiều hàng Tết, rồi thuế má, tiền điện nữa…”, bà Thuận buồn rầu.
Theo quan sát, nhiều ki-ốt ở tầng 2 đóng cửa im ỉm. Các tiểu thương cho biết, một số đang chuẩn bị bán ki-ốt để chuyển công việc khác, một số do lượng bán ra không đáng kể nên không mở cửa. Các mặt hàng tiêu thụ chậm khiến nhiều ki-ốt cắt giảm nhân công, dù đang là cao điểm mùa mua sắm Tết.
Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng Ban quản lý chợ Vinh – cho biết, sau dịch Covid – 19 tới nay, có khoảng 15% ki-ốt ngừng hoạt động. Thời gian vừa qua, hoạt động mua bán ở chợ Vinh có phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng.
Trưởng Ban quản lý chợ nhận định, tới sát Tết, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, tình hình mua bán tại khu chợ lớn nhất tỉnh sẽ được cải thiện.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm