3 NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN tai nạn lao động
Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ gây chết người với số người chết là 699. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.
Đáng chú ý, sau 4 năm giảm liên tiếp, diễn biến tình hình TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng gia tăng về số vụ, số người bị nạn với 159 vụ, làm 169 người chết (tăng 7 vụ, tương ứng 4,6% và tăng 10 người, tương ứng với 6,3%).
Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc. Nhiều người lao động (NLĐ) chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ cho khu vực không có quan hệ lao động hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác này.
Ngay trong quý 1/2024 đã có những vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của NLĐ. Điển hình là vụ TNLĐ xảy ra ngày 3.4 tại Công ty than Thống Nhất (Quảng Ninh) làm 4 công nhân tử vong. Đến ngày 22.4 xảy ra vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái. Vụ tai nạn khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.
Tổng hợp, phân tích từ các vụ TNLĐ chết người trong nhiều năm qua, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN, đánh giá: “Về mặt tổ chức nhà nước, đã có phân cấp rất rõ về trách nhiệm. Tuy nhiên, tần suất thanh tra đang rất thấp, tần suất kiểm tra cũng hạn chế, thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Cách thức thanh tra, kiểm tra về an toàn vẫn tương đối cũ, mô phỏng, dẫn đến kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra; thiếu cương quyết trong việc yêu cầu NLĐ thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn”.
Theo ông Thơ, ở các nước, thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của NLĐ, khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo thì yêu cầu khắc phục ngay, bởi những vi phạm về an toàn lao động hầu như không có cơ hội khắc phục. Khi sự cố đã xảy ra, chỉ có thể tìm cách xoa dịu nỗi đau của NLĐ, chứ không thể đưa họ trở về bình thường như trước đó.
Qua khảo sát thực tế, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ, gồm: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc.
Ông Thơ phân tích: “Nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được. Nguyên nhân này thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3%. Thường là do các yếu tố thiết bị đã sử dụng lâu ngày không được bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. Nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, lên tới 73%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài”.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, các đơn vị hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan này để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.
VĂN HÓA AN TOÀN ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
Để giảm đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ xảy ra cũng như hạn chế thương tổn đối với sức khỏe con người, TS Nguyễn Anh Thơ cho rằng các đơn vị sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng, bảo đảm an toàn cho NLĐ trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ kỹ năng vận hành máy móc cho NLĐ trước khi sử dụng, tránh trường hợp NLĐ chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động, dẫn đến tai nạn bất ngờ.
Cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra, hằng năm người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp ATVSLĐ.
Về giải pháp tổng thể, theo TS Nguyễn Anh Thơ, trước tiên về mặt chính sách pháp luật cần rà soát để bổ sung. Chính quyền địa phương cũng cần có phương án phù hợp để kiểm soát từ sớm, không để xảy ra sự cố về mặt môi trường, an toàn cháy nổ, hay sự cố về hóa chất. Hiện chúng ta không chỉ phải đối diện với những nguy cơ truyền thống mà còn đối diện với những vấn đề mới, nguy cơ mới về an toàn sinh học, hạt nhân nguyên tử…, thậm chí những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của NLĐ.
Đặc biệt, cần quan tâm tới bố trí nguồn lực cho đảm bảo ATVSLĐ ở các cấp cả về con người, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cũng như tài chính. “Chúng ta phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi về an toàn để quản lý hàng triệu doanh nghiệp (DN) trong tương lai và các ngành nghề mới. Lực lượng lao động cũng cần được quan tâm, đào tạo về kỹ năng an toàn. Văn hóa an toàn là đặc biệt quan trọng, DN không thể bố trí những lao động thiếu ý thức an toàn vào vận hành hệ thống công nghệ, sản xuất vật liệu mà ở đó, một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến thảm họa”, TS Thơ nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 26.4, tại lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết với mục tiêu thúc đẩy các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở, Ban chỉ đạo đã phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề là “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Trong tháng hành động này, trên toàn quốc sẽ diễn ra các hoạt động như: đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về ATVSLĐ; tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại DN, cơ sở sử dụng lao động, tổ chức các hoạt động dịch vụ ATVSLĐ; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ… nhằm xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp, các ngành, các DN phối hợp với tổ chức công đoàn, ngành LĐ-TB-XH tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng theo chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ – Tháng công nhân năm 2024.
Đối với công nhân, công chức, viên chức, NLĐ trong mỗi cơ quan, đơn vị, DN, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đề nghị cần phát huy trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo, thi đua lao động, sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, DN; đồng hành, gắn bó với tổ chức công đoàn VN, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Tổng LĐLĐ VN mong muốn, các DN luôn trân trọng, quan tâm đầu tư xây dựng nguồn nhân lực, chia sẻ thành quả với NLĐ để nuôi dưỡng nguồn vốn quý, lực lượng tiên phong, trực tiếp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ông Khang nhấn mạnh.
Ngày 1.5, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết theo thống kê, từ ngày 1.12.2023 – 29.3.2024, tại TP.HCM xảy ra 10 vụ TNLĐ, làm 12 người tử vong.
Theo đánh giá, TNLĐ xảy ra chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Qua công tác điều tra các vụ TNLĐ chết người nhận thấy tình hình TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Với góc độ là cơ quan chuyên môn, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay đơn vị đã và đang tham mưu UBND TP.HCM ban hành nhiều quy định quản lý lĩnh vực ATVSLĐ. Thời gian tới, đơn vị nhắm đến một số giải pháp trọng tâm như tăng cường truyền thông, hướng dẫn các quy định pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ; tư vấn, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật ATVSLĐ tại nơi làm việc, chú trọng đến việc cải thiện môi trường làm việc.
TP.HCM sẽ chủ động kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất ATVSLĐ, nhất là trong các công việc có tiềm ẩn rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy… Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ.
Dự kiến, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ có hội nghị đối thoại chuyên đề về ATVSLĐ trong lĩnh vực có nguy cơ tiềm ẩn cao xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
TP.HCM yêu cầu các đơn vị, DN trên địa bàn thường xuyên hướng dẫn công tác tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho NLĐ. Chính quyền địa phương cần thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến nghiệp vụ ATVSLĐ; hướng dẫn việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động và các vấn đề liên quan đến pháp luật ATVSLĐ.
Phạm Thu Ngân
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h