Vào dịp Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch), thời tiết tại Nghệ An trở nên nắng nóng, cũng là lúc mùa màng được thu hoạch và lúa mới gieo xong. Do đó, người dân nơi đây thường mua vịt về chế biến các món ăn giải nhiệt và cúng Tết Đoan Ngọ.
Đặc biệt, tại một số địa phương của Nghệ An, Tết Đoan Ngọ còn là dịp để các chàng rể báo hiếu bố mẹ vợ bằng những món quà như chai rượu và cặp vịt, tạo nên không khí gia đình ấm cúng.
Tại các chợ quê, vịt trở thành mặt hàng không thể thiếu bên cạnh các loại hoa quả để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết này.
Từ sáng sớm, anh Cao Văn Hiến (xóm 8, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, Nghệ An) cùng vợ bắt vịt bỏ vào lồng, chia nhau tới các chợ gần nhà để bán.
Anh Hiến mang khoảng 50 con vịt đến chợ Già (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An), thả vào khung lưới rộng hơn. Những con vịt béo múp, chạy khắp chuồng, kêu quang quác khi bị khách tóm cổ xách lên.
“Ngày hôm qua (9/6) tôi bán được hơn 100 con. Hôm nay chính lễ Tết Đoan Ngọ, hi vọng bán được nhiều hơn”, anh Hiến chia sẻ.
Để chuẩn bị cho dịp này, anh Hiến đã nuôi vịt từ 3 tháng trước. Loài vịt super Đại Xuyên, thịt ngon, mềm, nạc nhiều, được nuôi theo hình thức thả đồng nên lớn nhanh. Sau 3 tháng, vịt đạt trọng lượng 2,4-2,7kg/con.
Điều đặc biệt là anh Hiến không bán vịt theo trọng lượng mà bán “quạ”. Khách chỉ con vịt nào, anh Hiến tóm cổ xách lên. Khách dựa vào kinh nghiệm của mình để kiểm tra vịt béo hay nhiều nạc. Vịt to được bán với giá 150.000 đồng/con, vịt nhỏ có giá 140.000 đồng hoặc tùy theo tài mặc cả của khách.
Khoảng giữa buổi, khi đàn vịt trong chuồng đã bán gần hết, anh Hiến gọi điện về nói vợ chở vịt đến. “Vào dịp Tết Đoan Ngọ, nhu cầu ăn thịt vịt thường tăng cao. Tôi hi vọng có thể bán hết cả đàn vịt trong vài ba ngày”, anh Hiến cho hay.
Vợ chồng anh Nguyễn Minh Tâm (trú xã Hưng Đông) nuôi 1.000 con vịt, nhưng chỉ xuất bán 1/4 cho dịp Tết Đoan Ngọ. Khác với anh Hiến, anh Tâm nuôi vịt bầu đất, trọng lượng của mỗi con trưởng thành thấp hơn, khoảng hơn 2kg/con.
“Sau hơn 2 tháng, vịt có thể xuất chuồng. Bán vào dịp Tết Đoan Ngọ, giá nhỉnh hơn ngày thường, tầm 130.000 đồng/con nhưng tôi nuôi nhiều nên chủ yếu bán sỉ hoặc nhập cho các nhà hàng”, anh Tâm chia sẻ.
Tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), nhu cầu mua vịt của người dân cũng tăng cao trong dịp Tết Đoan Ngọ. Anh Lê Văn Luật (xã Thanh Liên, Thanh Chương) nuôi gần 100 con vịt cỏ để bán.
“Giống vịt cỏ nuôi lâu hơn nhưng bù lại thịt ngon, nhiều nạc, mềm. Mỗi con đạt trọng lượng trên dưới 3kg, chúng tôi bán 65.000 đồng/kg”, anh Luật cho biết.
Chỉ trong nửa buổi sáng, anh Luật đã bán hết đàn vịt của mình. Hầu hết khách mua theo cặp để về chế biến món vịt xáo măng và tiết canh giải nhiệt trong ngày nắng nóng.
Tại thành phố Vinh, để đáp ứng nhu cầu tăng cao, các nhà hàng cũng chuẩn bị các món ăn về vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, quản lý một nhà hàng khá nổi tiếng ở thành phố Vinh, cho biết trong ngày Tết Đoan Ngọ, nhà hàng chuẩn bị 100 con vịt để phục vụ thực khách.
“So với ngày thường, trong Tết Đoan Ngọ nhu cầu về các món vịt tăng gấp 3 lần. Chúng tôi chủ yếu phục vụ món vịt quay và vịt ủ thảo quả. Riêng món vịt ủ thảo quả lần đầu tiên được thực hiện, nên lượng khách hàng mua nhiều hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm