Người tìm việc muốn lương cao, doanh nghiệp trả thấp
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 158.600 chỗ làm việc và 79.000 người có nhu cầu tìm việc.
Kết quả khảo sát nhu cầu tìm việc theo mức lương cho thấy, có đến 41,27% người lao động đề xuất công việc có mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Nhóm lao động tìm việc ở mức lương 10-15 triệu đồng/tháng là 26,36%. Số người tìm việc có mức lương 15-20 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ 19,77%. Chỉ có 11,7% tổng số lao động tìm việc có mức lương 5-10 triệu đồng/tháng.
Cũng có một số lao động tìm công việc có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, tuy nhiên số này chỉ chiếm 0,9% tổng số lao động tìm việc. Phần lớn số lao động này tìm công việc chân tay, làm bán thời gian.
Kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng theo mức lương thì trái ngược hoàn toàn. Doanh nghiệp cần tuyển dụng hơn 50.000 chỗ làm việc (chiếm 31,76% tổng số nhu cầu tuyển dụng) với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, chỉ vừa đủ cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nhu cầu tuyển dụng lao động có mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng cũng rất cao: cần gần 67.000 chỗ làm việc, chiếm 42,16% tổng nhu cầu nhân lực. Kế đến là mức lương 10-15 triệu đồng/tháng cần gần 31.000 chỗ làm việc, chiếm 19,53% tổng nhu cầu nhân lực.
Hai nhóm nhân lực có mức lương 15-20 triệu đồng/tháng và trên 20 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ cực nhỏ, lần lượt là 2,7% và 3,85% tổng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo Falmi, kết quả khảo sát 654 doanh nghiệp tại TPHCM thì có khoảng 154 doanh nghiệp (chiếm 23,55%) trả lời gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. Khó khăn ở đây chủ yếu là do cung – cầu lao động chưa gặp nhau. Doanh nghiệp thì chưa tìm được lao động phù hợp, người lao động chê lương doanh nghiệp trả thấp.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, cho biết một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó tuyển người là: “Doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển”.
Lương thấp, người lao động rời thành phố
Nhìn biểu đồ so sánh nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc theo mức lương 6 tháng đầu năm 2024 tại TPHCM có thể dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch rất lớn.
Theo nhiều doanh nghiệp, người lao động đang ảo tưởng về năng suất, đặt ra mức lương quá cao so với năng lực. Tuy nhiên, nếu so sánh với tình hình cung cầu lao động cùng kỳ năm ngoái có thể thấy doanh nghiệp đang để mức lương thấp khi tuyển lao động mới.
Nhìn biểu đồ so sánh nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc theo mức lương 6 tháng đầu năm 2023 có thể thấy sự chênh lệch không nhiều.
Trong giai đoạn này, thị trường việc làm khó khăn, tỷ lệ người lao động đặt mức lương cao trên 20 triệu đồng/tháng giảm hẳn, chỉ là 19,06%. Tuy nhiên, để tìm được lao động, doanh nghiệp cũng đẩy mức lương lên rất cao, tỷ lệ việc làm cần tuyển có mức lương trên 20 triệu đồng đạt đến 18,51%, gần cân bằng so với nhu cầu tìm việc, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 3,85% của 6 tháng đầu năm 2024.
Chênh lệch giữa nhu cầu tìm việc và tuyển dụng ở nhóm việc làm lương thấp 5-10 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng chỉ là 11,49% và 25,63%, độ chênh rất thấp so với tỷ lệ 11,7% và 42,16% của 6 tháng đầu năm 2024.
Thậm chí, ở nhóm việc lương dưới 5 triệu đồng, nhu cầu tuyển dụng mức lương này trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ là 15,01% nhưng sang 6 tháng đầu năm 2024 tăng vọt lên mức 31,76%.
Trong chiến lược phát triển thị trường lao động, việc làm của TPHCM đến năm 2030, UBND Thành phố nhận định TPHCM đang mất đi vị thế là điểm đến của lao động ngoại tỉnh vì thu nhập thấp nhưng đời sống đắt đỏ.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2023 của TPHCM đứng thứ 2 trong 63 tỉnh, thành, bằng 99,44% của địa phương đứng đầu là Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ thiết yếu tại TPHCM có mức giá bình quân còn cao hơn Hà Nội, như là: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,52%; giáo dục bằng 116,86%…
Vợ chồng chị Đặng Thị Cẩm Hường (42 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) cùng làm công nhân, thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, chỉ đủ để ăn uống và trả tiền nhà trọ.
Chị Hường cho biết, 10 năm lên thành phố làm việc, sức khỏe kém dần đi mà 2 vợ chồng không tiết kiệm được gì. Chị nói: “Ở thành phố đắt đỏ, không biết bao giờ mới mua được nhà. Đi xa cũng nhớ ba mẹ lắm, thà về nhà ở gần ba mẹ, có gì ăn nấy, lại không áp lực”.
Xu hướng lao động từ TPHCM dịch chuyển về quê và đến các vùng đất khác có mức lương cạnh tranh, vật giá thấp hơn đang xuất hiện rõ nét. UBND Thành phố cũng dự báo doanh nghiệp trên địa bàn sẽ ngày càng khó tuyển lao động, có thể sẽ bắt đầu thiếu lao động từ năm 2027.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm