Ngành dịch vụ phục hồi, thiếu hụt lao động
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), tình hình kinh tế TPHCM trong 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng trưởng nhờ các chính sách kinh tế phù hợp và đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm, mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cùng với tiêu dùng nội địa, đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.
Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu sôi động, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành hàng như điện tử, dệt may, da giày, chế biến gỗ và nông sản. Dịch vụ du lịch có dấu hiệu phục hồi rõ rệt với lượng khách quốc tế và nội địa tăng lên. Các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn và vận tải cũng hưởng lợi từ xu hướng này.
Nhờ đó, thị trường lao động TPHCM 6 tháng vừa qua có xu hướng phát triển tích cực, phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế và nhu cầu phát triển của thành phố. Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, du lịch và bất động sản. Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán – kiểm toán, marketing…
Trên cơ sở kết quả khảo sát cung cầu lao động 6 tháng đầu năm, Falmi dự báo TPHCM cần khoảng từ 153.500-161.500 nhân công trong 6 tháng cuối năm. Nhu cầu nhân lực vẫn tập trung tuyển dụng ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, thành phố cần khoảng 103.000-108.000 chỗ làm việc (chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực) ở khu vực thương mại – dịch vụ; 51.000-53.000 chỗ làm việc (chiếm 33,03%) ở khu vực công nghiệp – xây dựng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,08%.
Trong các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 24.000-25.000 chỗ làm việc, chiếm 15,61% tổng nhu cầu nhân lực. Nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần khoảng từ 92.000-97.000 chỗ làm việc, chiếm 60,04%.
Ngành nào khó tuyển lao động?
Tuy nhiên, thị trường 6 tháng đầu năm có dấu hiệu khó tuyển lao động và tình trạng này có khả năng kéo dài. Theo khảo sát của Falmi tại 654 doanh nghiệp thì có khoảng 154 doanh nghiệp (chiếm 23,55%) trả lời gặp khó khăn trong hoạt động tuyển dụng.
Các doanh nghiệp khó tuyển dụng tập trung phần lớn ở các ngành: bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; thông tin và truyền thông; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, một số lý do chủ yếu khiến doanh nghiệp khó tuyển dụng là: Khó tìm được lao động có ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng; lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp; doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển; không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát…
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, cũng cho biết đang có tình trạng doanh nghiệp khó tuyển lao động. So sánh cung cầu lao động tại trung tâm cho thấy, có đến 40.000 vị trí việc làm doanh nghiệp tuyển dụng mà không có lao động ứng tuyển.
Để ổn định thị trường lao động cuối năm, bà Nguyễn Hoàng Hiếu đề nghị 3 bên (doanh nghiệp, người lao động, đơn vị dịch vụ việc làm) đều phải nỗ lực.
Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho 3 loại lao động (lao động quản lý, lao động gián tiếp và lao động trực tiếp) gắn với từng ngành, trình độ cụ thể định kỳ ngắn, trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu phát triển của mình.
Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho mình những kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc và phát triển trong tương lai.
Bà Hoàng Hiếu cũng đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tiếp tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng, tập trung kết nối lao động thuộc các ngành, nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng cuối năm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm