Học đại học ra bôn ba làm công nhân
Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt qua những cung đường cheo leo, một bên núi cao, một bên vực sâu, chúng tôi mới đến được nhà của Bí thư Đoàn xã Mường Ải. Đây là một trong những xã xa nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn.
Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi rói, anh Moong Bá Nghĩa (SN 1991), vừa rót nước vừa kể: “Năm 2015 tôi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, về quê không xin được việc. Sau đó tôi ra Bắc Ninh xin làm công nhân, thu nhập thấp quá, tôi lại vào miền Nam tiếp tục làm công nhân. Ở đây tôi gặp và yêu vợ bây giờ. Sau đó cả hai bàn nhau về quê lập nghiệp”.
Năm 2017, anh Nghĩa và chị Lô Thị Thảo kết hôn. Chị Thảo tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, nhưng không xin được việc. Vợ chồng cưới nhau trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố mẹ làm nông nghiệp không đủ ăn, sau khi cưới, vợ chồng anh Nghĩa sống chung với bố mẹ và các em trong ngôi nhà sàn.
Do hoàn cảnh khó khăn, nên vợ chồng anh Nghĩa được bản và xã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cấp 4 con dê giống để lập nghiệp.
Đến thời điểm này, từ 4 con dê được cấp, vợ chồng anh Nghĩa đã cho sản sinh được 100 con.
“Ban đầu khó khăn lắm vì không hiểu đặc tính của con dê. Vợ chồng phải sang Đồn Biên phòng hỏi các chú bộ đội cách chăm nuôi và lên mạng Internet tìm hiểu. Phải hơn 1 năm, dê mới ổn định sức khỏe và lớn nhanh”, chị Lô Thị Thảo tâm sự.
Sau khi hiểu được các tập tính của con dê và các bệnh thường mắc, biết cách phòng và chữa trị, vợ chồng anh Nghĩa bàn nhau vay ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng mua thêm 12 con dê giống. Chăm sóc, phòng bệnh đúng cách, đàn dê của gia đình anh Nghĩa lớn rất nhanh và sinh sôi liên tục.
“Vợ chồng tôi nghĩ mãi, cuối cùng kết luận chăn nuôi là cách duy nhất để thoát nghèo. Đồi núi cao như thế, phát nương trồng lúa cũng không lên được vì đất này phải 5 năm trồng lúa một lần đất mới đủ chất dinh dưỡng cho lúa phát triển.
Mà con dê, con bò nó chỉ ăn cỏ, cây trong rừng, sao mình không cố gắng học hỏi để nuôi. Giờ thì không đủ dê mà bán, ngày nào cũng có người gọi điện hỏi mua”, anh Nghĩa tâm sự.
Cần gì phải đi làm công nhân cho khổ
Với việc nỗ lực lập nghiệp trên mảnh đất khó, anh Nghĩa được các đoàn viên tin tưởng bầu làm Bí thư Chi Đoàn bản Xốp Phong sau đó được bầu làm Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Đoàn xã Mường Ải.
Sau khi nuôi thành công con dê, vợ chồng anh Nghĩa mua thêm bò giống, lợn bản địa và gà đen về nuôi và tự nhân giống các loại. Đến nay, gia đình anh đã có đàn bò gần 20 con, đàn lợn hơn 20 con và gà đen hơn 200 con.
“Hằng ngày đi vào các bản công tác hoặc đến xã, gặp đoàn viên thanh niên, tôi thường xuyên vận động đoàn viên khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi. Rừng núi bát ngát, cây cỏ không thiếu, nuôi con dê, con bò, thịt ngon, bán dễ, cần gì phải đi làm công nhân cho khổ. Các đoàn viên đến mua con giống đều được tôi bán rẻ cho để khuyến khích”, anh Nghĩa chia sẻ thêm.
Biết được đặc tính của con dê ăn phải sạch, mùa mưa hay bị bệnh nên buổi sáng phải chờ lá cây khô hết sương hoặc nước mưa, mới thả dê ra, chiều 16h phải gọi dê về chuồng.
Theo anh Nghĩa, các bệnh thường gặp ở dê là lở mồm long móng, chướng bụng đầy hơi; mùa rét hay bị bệnh phổi, cho nên phải che bạt, đốt lửa sưởi ấm. Hằng ngày, vợ chồng anh Nghĩa dùng muối để tạo thói quen gọi đàn dê và bò về chuồng.
Hiện nay giá dê 120.000-150.000 đồng/kg, mỗi con dê trưởng thành được bán 3-4 triệu đồng. Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3-4 con. Với cách chăn nuôi ổn định, gia đình anh Nghĩa thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Từ một cử nhân hai bàn tay trắng, giờ gia đình anh Nghĩa đã có nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của Bí thư Đoàn xã Mường Ải Moong Bá Nghĩa rất tốt, huyện đã đến thăm nhiều lần.
Vợ chồng anh Nghĩa chăn nuôi, sản xuất rất khoa học, thu nhập ổn định. Huyện cũng rất nhiều lần dùng mô hình chăn nuôi này tuyên truyền cho các xã, bản khác để học hỏi, khởi nghiệp tại quê nhà, thu nhập cao hơn rất nhiều so với đi làm công nhân”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm