Từng bị gia đình phản đối
Khi thì biến khuôn mặt thành quả dưa hấu, lúc thì vẽ cánh tay thành con rắn sinh động như thật, đó là những tạo hình độc đáo nhờ trang điểm của chị Nguyễn Nhật Linh.
Cô gái trẻ đã có 5 năm theo đuổi công việc trang điểm, hóa trang, tạo hình cho các nhân vật trong video quảng cáo, phim… cho nhiều nhãn hàng tại TPHCM. Đây là công việc khá mới mẻ tại Việt Nam, vừa giúp Linh thỏa mãn đam mê của bản thân, vừa mang lại thu nhập khá.
Để có thể vững bước với công việc còn lạ lẫm với nhiều người như hiện nay, chị Nhật Linh đã có quá trình học tập, tranh đấu mãnh liệt để theo đuổi con đường đầy chông gai này.
Sinh ra tại Cao Bằng, chị có 4 năm học đại học về lĩnh vực báo chí, truyền thông tại Hà Nội.
Trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cô gái dân tộc Tày đã đi học thêm nhiều lĩnh vực mình đam mê như MC, diễn xuất… Từ đó, cô bén duyên đi theo các đoàn làm phim, quay quảng cáo rồi bén duyên với nghề hóa trang.
Sau khi tốt nghiệp, Nhật Linh mong mỏi được chọn công việc hóa trang lập nghiệp. Tuy nhiên, khi bày tỏ ý định với gia đình, chị nhận về phản đối dữ dội. Vì lẽ đó, chị chấp nhận làm nhân viên văn phòng và tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm thêm công việc hóa trang.
Càng làm văn phòng lâu, chị càng nhận ra hóa trang mới là công việc mình mong muốn gắn bó nên quyết tâm theo đuổi.
“Sau 1 năm tôi đã thuyết phục được gia đình cho theo đuổi mơ ước. Mẹ của tôi tuy không thực sự hiểu hoàn toàn những dự định của con, nhưng vẫn lựa chọn tin tưởng và cho phép con gái thử sức. Sau này khi đã tự lập được thì chẳng ai phản đối tôi nữa”, chị Linh chia sẻ.
“Nam tiến” để theo đuổi đam mê
Sau khi được gia đình gật đầu, chị đã quyết tâm vào TPHCM để chuyên tâm học và làm trang điểm, hóa trang. Ngoài học trên lớp, chị học trang điểm từ những clip hướng dẫn miễn phí trên mạng và dùng vật liệu có sẵn để thay thế cho vật liệu chuyên nghiệp.
“Tôi nhớ khi mới học, do không có tiền mua đồ hóa trang tốt, nên phải dùng nguyên liệu có sẵn thay thế. Nguyên liệu có sẵn đương nhiên không cho ra những hiệu ứng hoàn hảo, và đôi khi nếu không cẩn thận còn bị nguy hiểm”, chị tâm sự.
Chính vì vậy, chị đã từng bị bỏng nhẹ vì sử dụng gelatine trong làm bánh để thay cho silicone trong hóa trang chuyên nghiệp.
Nếu như ở nước ngoài, các nguyên liệu thường sẽ dễ kiếm. Còn ở Việt Nam, chị chủ yếu tìm các nguyên liệu từ nhà bếp để thay thế nên tính chất của nguyên liệu khó mà giống và thay thế được 100%.
“Năm, sáu lần làm đi làm lại vẫn hỏng là chuyện bình thường. Điều này không chỉ thử thách kiên nhẫn, bắt mình suy nghĩ tìm cách giải quyết vấn đề mà còn là thử thách tiền bạc nữa vì thời đó đâu có tiền”, chị Nhật Linh nhớ lại.
Hiện nay, khi đã chuyên nghiệp hơn, thì quy trình làm và nguyên liệu chị phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, do hóa trang tạo hình còn mới nên mỗi khi làm việc với khách hàng chị đều rất cẩn trọng.
Thông thường, các nhãn hàng sẽ có những định hướng cụ thể trước khi tìm tới chị. Sau khi đồng ý hợp tác, chị phải đọc kịch bản, trao đổi cùng ekip để thực sự hiểu yêu cầu về nhân vật. Sau đó, cả nhóm mới tìm giải pháp phù hợp nhất về tạo hình, kinh phí, thời gian,…
Trao đổi về thu nhập, chị Nhật Linh cho biết, hiện nay mức lương của chị tăng gấp 3, 4 lần so với thời điểm đi làm văn phòng. Tuy nhiên, nhược điểm của công việc này là có những mùa cao điểm và thấp điểm, nên thu nhập không hoàn toàn ổn định.
“Cao điểm của công việc này sẽ là trước mùa lễ hội (đặc biệt trước Tết) và trước mùa hè. Vì thời điểm này là khi người dân có nhu cầu đi xem phim, giải trí, mua sắm.
Các nhà làm phim thường sản xuất ở hai mùa này nhiều hơn. Khả năng mua sắm cao của thị trường cũng khiến cho các doanh nghiệp có nhu cầu làm các đoạn phim quảng cáo và chạy chiến dịch quảng cáo nhiều hơn”, chị Nhật Linh nói thêm.
Sắp tới, chị dự định sẽ đưa đến những nội dung mới hơn trên kênh TikTok của mình. Thay vì chỉ hóa trang thành trái cây và động vật, chị Linh muốn đưa đến những kiến thức về hóa trang, đồng thời tạo ra các tác phẩm hóa trang có nhiều tầng lớp về mặt ý nghĩa hơn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm