Doanh nghiệp đẩy mạnh số hóa
“Gần 9/10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất ở một bộ phận trong doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 41% doanh nghiệp đã số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này là cao nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm 2024″, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết.
Theo ông ông Lim Dyi Chang, đó là số liệu thể hiện trong nghiên cứu “Triển vọng Doanh nghiệp tại Việt Nam” do UOB thực hiện. Bài nghiên cứu đã khảo sát 525 chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành cấp cao của các doanh nghiệp SME (vừa và nhỏ) và doanh nghiệp lớn.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp sẽ tăng ngân sách chuyển đổi số từ 10% đến 25% trong năm 2024. Trong đó, lĩnh vực chi tiêu nhiều nhất cho chuyển đổi số chính là thương mại, bán buôn (88%); công nghệ, truyền thông và viễn thông (87%).
“Ngày nay, nếu doanh nghiệp không ứng dụng giải pháp số thì sẽ trở thành người bên lề”, ông Lim nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đối mặt với lạm phát, 59% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay họ sẽ áp dụng quy trình tự động hóa để tối ưu dịch vụ khách hàng; 55% doanh nghiệp sẽ áp dụng AI, chatbot,… để trợ giúp khách hàng trong thời gian thực.
“Chủ doanh nghiệp sẽ dần chuyển sang trao quyền cho nhân viên của họ sử dụng AI để giải quyết công việc”, ông Lim nhận định.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam đang rất chú trọng chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bộ Chính trị cũng đã ban hành nghị quyết liên quan đến chuyển đổi số, trong đó đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
“Có 2 vấn đề mấu chốt cơ bản, sống còn của doanh nghiệp, chính là đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững. Trong thời đại này, việc tiếp nhận và xử lý thông tin để đưa ra quyết định kinh doanh kịp thời là rất quan trọng”, ông Liêm cho hay.
Thiếu nguồn lực chuyển đổi số chất lượng cao
Theo ông Trần Ngọc Liêm, doanh nghiệp Việt đang thiếu trầm trọng nhân lực cấp cao như trong lĩnh vực về chip, công nghệ thông tin,… thậm chí là thiếu hụt nhân lực cấp trung và sơ cấp như các vị trí vận hành máy móc, phần mềm trong tổ chức.
Một trong những nguyên nhân có thể kể đến chương trình đào tạo hiện tại vẫn chưa bắt kịp được với xu hướng phát triển quá nhanh về công nghệ thông tin của thế giới.
“Bên cạnh đó, chúng tôi dù mong muốn rất nhiều nhưng nguồn lực và tài chính, ngân sách còn hạn chế”, ông Liêm nhận định.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn trong chuyển đổi số, ông Liêm chia sẻ có rất nhiều giải pháp, nhưng cần bắt đầu từ những điều cơ bản nhất.
“Trước hết, tôi cho rằng cần phải xây dựng những chính sách, quy chế pháp luật thật chặt chẽ, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn lực đào tạo từ các tổ chức quốc tế cho nhân sự nội bộ.
Các doanh nghiệp còn phải tận dụng nguồn nhân lực từ xã hội, sau đó phối hợp với nhà trường, các tổ chức Chính phủ để đào tạo nguồn nhân lực này. Từ đó, doanh nghiệp mới “gỡ khó” được những thử thách trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn, cản trở nỗ lực chuyển đổi số”, ông Liêm cho hay.
Theo số liệu của World Bank (2019), chỉ có 10% lao động Việt có thể đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề nhân lực, ông Lim Dyi Chang cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp cho hay họ đang và sẽ đối mặt với không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng (34%), rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu và đặc biệt là thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên (49%).
“Các doanh nghiệp cho biết họ muốn có thêm các hỗ trợ như ưu đãi thuế/hoàn thuế, được hỗ trợ các chương trình đào tạo để nâng cao hoặc bổ túc kỹ năng cho nhân viên trong việc áp dụng số hóa”, ông Lim nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm