Theo Cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế đến tìm hiểu, đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng.
Đây là lĩnh vực mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chi tiết, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo Cục Lâm nghiệp, trong mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030, ngành nông nghiệp được giao giảm phát thải 129,8 triệu tấn CO2tđ. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đã giao lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu 39,31 triệu tấn CO2tđ đến năm 2025 và 79,1 triệu tấn CO2tđ đến năm 2030.
Theo báo cáo kết quả thực hiện REDD+ Việt Nam, giai đoạn 2014-2018, lượng giảm phát thải từ rừng đạt khoảng 56,7 triệu tấn; trong đó lượng giảm phát thải 20,3 triệu tấn và lượng tăng hấp thụ -36,4 triệu tấn.
“Kết quả giảm phát thải và tăng hấp thụ có được là nhờ nỗ lực khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng của cả nước trong giai đoạn vừa qua. Vì vậy, lĩnh vực lâm nghiệp có tiềm năng và đang từng bước chủ động hoàn thiện các điều kiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết để tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế”, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết.
Cục Lâm nghiệp cho biết, đến nay, Việt Nam đang triển khai duy nhất một chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ carbon rừng.
Đó là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho WB 10,3 triệu tấn CO2 (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2), đơn giá là 5 USD/tấn CO2, tổng giá trị chi trả 51,5 triệu USD.
Để thực hiện ERPA, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent), cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) đang chuẩn bị đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Ý định thư (LoI) đã ký ngày 31/10/2021.
Dự kiến Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, một số tỉnh như: Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh này chưa thực hiện do thiếu quy định pháp luật và các hướng dẫn chi tiết.
Ngày 24/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề dự trữ carbon và đa dạng sinh học.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng.
Đây cũng là góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra, với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững cho tương lai.
Năm 2021, Quảng Nam được Chính phủ cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ việc giảm phát thải khí nhà kính, thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong 5 năm, 2021-2025.
Quảng Nam có gần 630.000ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được khoảng 1 triệu tấn carbon.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm