Mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn rừng, gà đẻ trứng của anh Ngô Đình Tuấn (SN 1993) nằm giữa cánh đồng thôn 4, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Anh Tuấn kể, khi đang theo học chuyên ngành Điện tử viễn thông tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh đã nhiều lần rong ruổi đến các tỉnh phía Bắc tham quan, học cách làm nông nghiệp. Khi được nghỉ học, anh lại về quê mua cây giống, trồng tại bãi mía của gia đình.
Năm 2018, khi gần tốt nghiệp đại học, anh quyết định nghỉ học giữa chừng rồi về quê làm nông nghiệp khiến bố mẹ ngỡ ngàng và ra sức can ngăn.
“Khi học đại học tôi có đi làm thêm tại công ty kỹ thuật nên cũng có ít vốn, muốn về quê khởi nghiệp. Nghe tôi bàn chuyện, bố mẹ kịch liệt phản đối. Ông bà nghĩ làm nông vất vả, muốn cho con theo học để sau này đỡ phải lâm vào cảnh chân lấm tay bùn. Phải mất vài tháng tôi mới thuyết phục bố mẹ ủng hộ”, anh Tuấn kể.
Sau khi thuyết phục được bố mẹ, anh Tuấn tận dụng lại diện tích trồng mía của gia đình rồi thuê thêm đất để trồng mít, bưởi diễn. Lần đầu khởi nghiệp của chàng trai trẻ đã vấp phải thất bại.
Mặc dù thất bại nhưng anh Tuấn không nản lòng, quyết tâm thay đổi cách làm, gây dựng lại từ đầu. Tại khu vực trồng cây ăn quả, anh Tuấn ghép hơn 1.000 cây bưởi da xanh, cam, chanh trên gốc bưởi Diễn và trồng xen canh với ổi.
Anh còn dành một phần diện tích đất để xây chuồng nuôi lợn rừng, gà đẻ trứng. Quy mô trang trại được anh Tuấn xây dựng theo hướng tổng hợp, tuần hoàn, tái sử dụng phụ phẩm chăn nuôi để làm phân bón cho cây trồng, giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường.
“Lúc đó tôi không còn đường lùi vì toàn bộ vốn liếng đã đổ vào vườn cây, nếu bỏ cuộc coi như mất sạch. Mặt khác, do đã quyết định nghỉ học về quê làm nông dân, nên tôi phải cố gắng hết sức để vượt qua thất bại, không phụ lòng tin của bố mẹ”, anh Tuấn kể lại.
Sau nhiều năm nỗ lực, anh Tuấn cũng thành công với mô hình trang trại tổng hợp. Hiện mỗi năm anh xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 con lợn giống và lợn thương phẩm. Vườn cây ăn quả gồm bưởi diễn, ổi cũng tạo ra năng suất cao, trừ chi phí, anh thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Anh Tuấn còn liên kết và cấp giống cho 4 trang trại vệ tinh, đồng thời chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Theo anh Tuấn, trong quy mô trang trại tổng hợp, anh lựa chọn lợn rừng làm vật nuôi chủ lực. “So với dúi, nhím, lợn rừng là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, đầu ra tốt”, anh Tuấn lý giải.
Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, cần cù, chịu khó làm việc, anh thường xuyên đổi mới phương thức bán hàng, tìm kiếm thị trường. Trong mỗi buổi ra vườn làm việc, anh thường quay lại các clip hướng dẫn cách làm rồi thành lập kênh Youtube để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất đến với mọi người nhằm tăng lượng tương tác.
Anh còn tạo các kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, nhờ đó anh không còn phải lo thị trường đầu ra.
Bà Lê Thị Dung, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho biết, mặc dù mới xây dựng được ít năm nhưng mô hình của anh Ngô Đình Tuấn đã tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ vậy, anh Tuấn còn là gương thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.
“Đây là trường hợp khá đặc biệt, đang học đại học nhưng Tuấn vẫn bỏ giữa chừng để về quê làm nông nghiệp. Chúng tôi hy vọng, với suy nghĩ và cách làm sáng tạo, thời gian tới anh Tuấn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa”, bà Dung chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm