Năm 2012, anh Nguyễn Xuân Hưng (SN 1984, xã Thượng Sơn, Đô Lương, Nghệ An) tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Với tấm bằng chuyên ngành thú y, anh Hưng được nhận vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm.
Thời điểm đó, mức lương gần 20 triệu đồng/tháng là mơ ước của không ít sinh viên mới ra trường như anh Hưng. Bởi vậy, khi anh Hưng quyết định bỏ việc, rời thủ đô về quê nuôi gà, nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
“Quá trình đi phát triển thị trường ở các tỉnh, thành, tôi thấy mô hình nuôi gà ri 3/4 khá hiệu quả. Đây là giống gà được lai tạo giữa gà mái Lương Phượng có nguồn gốc từ Trung Quốc với con gà trống gà ri vàng rơm của Việt Nam, có trọng lượng lớn, khỏe, thịt thơm và ngọt, khả năng chống chịu tốt thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An”, anh Hưng giải thích lý do bỏ việc về quê nuôi gà.
Năm 2013, anh Hưng ra Thường Tín, Hà Nội mua gà giống về nuôi trong vườn nhà. Thời gian đầu mới nuôi, do anh chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gà hao hụt dần.
Chấp nhận thất bại và không nản chí, bằng kiến thức đã học được kết hợp kinh nghiệm đúc rút từ mô hình chăn nuôi gà của các hộ dân trong xã, anh Hưng xây dựng được quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho gà phù hợp với môi trường và điều kiện thời tiết nắng lắm, mưa nhiều ở địa phương.
Năm 2014, anh Hưng mạnh dạn nuôi gà quy mô lớn với 3.000 con giống và tăng đàn lên 7.000 con vào năm tiếp theo. Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, đàn gà lớn nhanh, chất lượng thịt đáp ứng thị trường, anh mở rộng quy mô đàn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thương lái.
Đến năm 2019, anh quyết định thuê đất của xã, mở trang trại 2ha, quy mô đàn gà 15.000 con.
“Trong chăn nuôi, công tác phòng bệnh phải được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc tìm được loại thức ăn phù hợp cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Tôi sử dụng thức ăn tổng hợp từ bột cá, ngô, đậu nành, lúa mì và bổ sung thêm rau, cỏ xanh, chuối cho gà”, anh Hưng chia sẻ.
Để phòng bệnh, anh Hưng chia trang trại thành 4 khu vực riêng biệt để nuôi gà thương phẩm và “úm” gà con. Cứ cách gần 1 tháng, anh Hưng nhập 3.000 con gà giống loại 1 ngày tuổi, mỗi năm anh nuôi 15 lứa gà. Việc nuôi theo mô hình “gối vụ” này giúp anh đảm bảo nguồn cung cho khách hàng.
Theo tính toán của ông chủ này, với 150 con gà trống trọng lượng 1,5-2,2kg/con bán ra mỗi ngày, anh thu về khoảng 18 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu vào, mỗi năm, trang trại nuôi gà của anh Hưng lãi hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, trang trại của anh Hưng còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 3 nhân công và hàng chục lao động thời vụ.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, chia sẻ: “Mô hình nuôi gà của anh Hưng là mô hình phát triển kinh tế ổn định, cho thu nhập khá ở địa phương. Việc xây dựng trang trại trên đồi, nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả như cam, ổi, không chỉ tận dụng được đất mà còn giúp gia đình tăng thu nhập”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm