Dành dụm tiền học tiếng Hàn, nuôi ước mơ ra nước ngoài lao động
Từ 6h, Phạm Lưu Kim Tuyết (SN 2005, quê tại tỉnh Kiên Giang) đã có mặt tại kỳ thi năng lực tiếng Hàn ở khu vực TPHCM, do Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức.

Lao động Việt tham gia kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).
Kỳ thi năng lực tiếng Hàn – EPS TOPIK dành cho lao động đi làm việc các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) đợt 1 năm 2025, diễn ra từ ngày 5/5 đến 17/6, được tổ chức đồng thời tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM).
Lần đầu dự thi, Kim Tuyết không khỏi hồi hộp. Cô cho biết bản thân đã di chuyển hơn 250km từ quê nhà đến TPHCM. Cả đêm, Tuyết trằn trọc không ngủ được vì ước mơ sang Hàn làm việc.
“Ngay từ nhỏ, tôi đã yêu thích văn hóa Hàn Quốc và tự học tiếng Hàn tại nhà. Đến lúc được trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương gợi ý về cơ hội sang quốc gia này làm việc với thu nhập hấp dẫn, tôi đăng ký ngay. Sau khi tìm hiểu, ba mẹ cũng ủng hộ vì đây là dịp để tôi được trải nghiệm, cải thiện thu nhập, chăm lo cho bản thân, gia đình”, Kim Tuyết nói.

Lao động tập trung tại điểm thi từ sớm để được hướng dẫn quy chế thi (Ảnh: Nguyễn Vy).
Tuyết chia sẻ gia đình cô vốn có truyền thống làm nông. Vì thế, nhờ kinh nghiệm phụ ba mẹ từ nhỏ, cô dự định sang Hàn để làm việc trong ngành này.
“Hàng xóm xung quanh cũng có nhiều người đã và đang làm việc tại Hàn Quốc. Họ cho biết thu nhập tại quốc gia này rất tốt, thời tiết cũng mát mẻ nên tôi cảm thấy rất háo hức. Nếu đợt thi này tôi chưa gặp may mắn, tôi vẫn sẽ ôn luyện và chờ đến kỳ thi tiếp theo”, nữ lao động bày tỏ.
Có mặt tại điểm thi từ sớm, Cao Văn Hiển (25 tuổi, quê tại tỉnh Bạc Liêu) bộc bạch đây không phải lần đầu anh dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn. Năm 2023, Hiển từng tham gia thi nhưng chưa đạt đủ số điểm như yêu cầu của ban tổ chức.
Vì thế, tháng 3/2024, Hiển đã rời quê lên TPHCM, làm thêm tại xưởng cơ khí để dành dụm tiền ôn luyện tiếng Hàn.
“Tôi có chị gái đang làm việc tại Hàn Quốc. Chị cũng gợi ý cho tôi sang quốc gia này làm việc vì thu nhập hấp dẫn, người lao động cũng không phải tốn quá nhiều chi phí sinh hoạt, đi lại”, Hiển chia sẻ.
Ngày càng nhiều cơ hội cho lao động Việt
Ông Lee Jong Ryeol, Phó Trưởng đại diện văn phòng HRD Korea, ngày càng có nhiều cơ hội cho người lao động tại Việt Nam đến Hàn Quốc làm việc. Theo ông Ryoel, tỷ lệ cạnh tranh trong kỳ thi năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Ông Lee Jong Ryeol, Phó Trưởng đại diện văn phòng HRD Korea (Ảnh: Nguyễn Vy).
Để tăng cường tính chặt chẽ xuyên suốt kỳ thi, các công tác ra đề thi, chấm thi, sắp xếp ca thi, chỗ ngồi trong phòng thi và giám thị trong phòng thi tiếng Hàn do phía HRD Korea chủ trì thực hiện.
Trước khi bước vào phòng máy tính, thí sinh được kiểm tra qua máy dò kim loại, và kiểm tra trực tiếp bằng tay. Để thuận lợi cho quá trình kiểm tra, ban tổ chức đã dặn dò người lao động không nên mặc trang phục có phụ kiện kim loại như cúc áo, khóa kéo kim loại, quần bò, dây chuyền, vòng tay…
Giám thị trong phòng thi là người Hàn Quốc do HRD Korea bố trí. Số lượng giám thị cũng tăng gấp đôi so với mọi năm.

Ban tổ chức kiểm tra thiết bị, đảm bảo quá trình thi diễn ra thuận lợi cho các thí sinh (Ảnh: Nguyễn Vy).
Trong phòng thi, phòng chờ, hành lang đều có hệ thống camera giám sát, kết nối trực tiếp với phía Hàn Quốc.
Điểm thi của người lao động sẽ được phần mềm chấm và thông báo ngay sau khi kết thúc bài thi.
“Kỳ thi năm nay có một số điểm mới là sau khi kết thúc phần thi tiếng Hàn, những người lao động đạt từ điểm sàn trở lên đều phải kiểm tra sắc giác. Người lao động đạt yêu cầu qua 2 vòng thi mới được làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc”, ông Lee Jong Ryeol nói.

Thí sinh quét xác nhận vân tay, khuôn mặt trong phòng chờ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Thí sinh đạt yêu cầu sẽ được Trung tâm lao động ngoài nước gửi thông tin sang Hàn Quốc. Hồ sơ người lao động sẽ bị ẩn thông tin cá nhân để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ngẫu nhiên. Không có tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp được vào tiến trình này.
Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ nhắn tin từ hệ thống tổng đài của Trung tâm tới trực tiếp điện thoại di động của người lao động khi được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng; khi có kế hoạch xuất cảnh và các nghiệp vụ phát sinh.

Khu vực phòng thi được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống camera và các giám thị người Hàn Quốc, đảm bảo tránh gian lận (Ảnh: Nguyễn Vy).
Ông Lee Jong Ryeol lưu ý rằng người lao động cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo như “bao đậu”, ” tác động” để sớm được sang Hàn Quốc làm việc.
Theo quy chế của kỳ thi, trường hợp người lao động bị phát hiện có gian lận sẽ bị lập biên bản vi phạm, không được phép đăng ký tham gia Chương trình EPS trong thời gian 4 năm. Tất cả thông tin người lao động được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu phục vụ tra cứu đối chiếu.
Hàn Quốc được đánh giá là thị trường lao động với mức thu nhập hấp dẫn. Hiện nay, mức lương tối thiểu (chưa kể làm thêm giờ và các phúc lợi khác) cho lao động Việt tại quốc gia này là hơn 2 triệu won/tháng (gần 40 triệu đồng).
Tại Hàn Quốc, người lao động được bảo đảm các quyền lợi như lao động người bản địa (các khoản trợ cấp, bảo hiểm được tham gia đầy đủ). Đời sống, phong tục văn hóa tại Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đông đảo nên người lao động có thể nhanh chóng thích nghi.
Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm lao động ngoài nước đã phái cử được 141.215 lượt người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng lao động nhập cảnh vào Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.
Năm nay, tiêu chí tuyển chọn của chương trình là 3.300 lao động cho các ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp. Trong khi đó, số lượng đăng ký tính đến ngày tổ chức kỳ thi là 22.783 người.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm