Tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nằm sát biên giới Việt – Lào, những bước chân của kiểm lâm và Đồn Biên phòng Hạnh Dịch vẫn lặng lẽ băng rừng, vượt suối, tuần tra.
Anh Nguyễn Bá Hưng, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, chia sẻ: “Với chúng tôi, đi rừng không có ngày nghỉ. Những cánh rừng biên giới phải luôn có người canh giữ”.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt phối hợp với Đồn Biên phòng Hạnh Dịch tuần tra rừng và bảo vệ cột mốc biên giới (Ảnh: Văn Sinh).
Tuần tra rừng không đơn giản là đi bộ, mỗi hành trình của các lực lượng kéo dài 2-7 ngày. Họ mang theo lương khô, võng ngủ, pin dự phòng, đèn pin, dao phát rừng. Họ phải vượt qua những dốc đá dựng đứng, ngủ giữa rừng, đối mặt với rắn rết, muỗi, vắt và cả nguy cơ từ lâm tặc.
Có cán bộ kiểm lâm từng bị thương vì lâm tặc tấn công. Có người cả năm không biết đến ngày nghỉ. Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, ở giữa rừng già, những người lính biên phòng, cán bộ kiểm lâm vẫn âm thầm tuần tra, canh giữ rừng. Với họ, hạnh phúc đơn giản là khi trở về lán nghỉ, gọi được một cuộc điện thoại về cho vợ con thông báo “anh vẫn ổn, rừng hôm nay yên”.
Anh Vi Văn Tình, trú ở huyện Quế Phong, cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chia sẻ: “Nhiều lúc ngẫm nghĩ thấy mình chưa thể tròn trách nhiệm với vợ con, gia đình. Vợ quanh năm vất vả đồng áng, tần tảo sớm hôm để lo cho gia đình, nuôi con khôn lớn.
Ngày nghỉ cũng muốn đưa vợ con đi đây, đi đó để động viên nhưng điều tưởng chừng như nhỏ nhoi đó tôi chưa một lần thực hiện. Điều may mắn đối với tôi là vợ con luôn hiểu, chia sẻ, động viên để tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết, điều khiến ông xúc động nhất chính là sự tận tụy và hy sinh hết mình cho công việc của anh em trong đơn vị.
“Nhiều người đã gắn bó hàng chục năm trời với rừng, chưa từng một lần tính chuyện đổi nghề. Họ xem rừng như một phần máu thịt. Mỗi cây rừng là một sinh mệnh. Mỗi mùa cháy, mùa khô, chúng tôi đều lo như chính người thân mình đang nguy hiểm”, ông Sinh chia sẻ.
Các cán bộ kiểm lâm còn kết nối với cộng đồng, tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số không khai thác rừng trái phép, không săn bắt động vật hoang dã. Họ hướng dẫn người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong, làm du lịch sinh thái, những sinh kế bền vững từ rừng nhưng không làm tổn hại đến rừng.
Anh Nguyễn Đức Tính, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thông Thụ 1, cho biết, tròn 22 tuổi anh mang ba lô ngược lên huyện biên giới Quế Phong nhận công tác, đến nay đã 40 năm gắn bó với rừng.

“Dịp lễ vừa qua, đơn vị ưu tiên cho tôi về thăm gia đình, nhưng tôi tình nguyện ở lại trực, cùng anh em tuần tra, bảo vệ, nhất là trong thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng rất cao.
Đã có lúc tưởng chừng không thể vượt qua khó khăn, nhiều đồng nghiệp chuyển công tác hoặc xin nghỉ, nhưng tôi vẫn ở lại. Dù công việc vất vả, tôi vẫn hạnh phúc và sẽ giữ tình yêu với rừng cho đến phút cuối của chặng đường công tác”, anh Tính tâm sự.
Pù Hoạt là một trong ba khu rừng đặc dụng của tỉnh Nghệ An, với diện tích hơn 85.000ha, được xem là “lá phổi xanh” của miền Tây Nghệ An. Nơi đây là mái nhà của hơn 2.400 loài thực vật và hơn 1.300 loài động vật.
Trong đó, có nhiều loài động, thực vật hoang dã có tên trong danh lục các loài động, thực vật quý hiếm, loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm