Tại xã Ea Sar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) trước đây nông dân chủ yếu trồng cà phê cùng các loại hoa màu, tuy nhiên, do thổ nhưỡng là đất cát pha màu, khô cằn nên năng suất từ các loại cây trồng rất thấp.
Năm 2012, một số hộ dân của xã đã mang giống vải thiều từ Bắc Giang trồng thử và bất ngờ khi loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, có năng suất cao.
Đến nay, toàn xã Ea Sar có 400ha, sản lượng năm nay dự kiến đạt 5.000 tấn quả.

Trồng vải thiều giúp nhiều nông dân tại Đắk Lắk có cuộc sống khấm khá, ổn định (Ảnh: Uy Nguyễn).
Gia đình ông Lê Văn Thưởng, trú thôn 5, xã Ea Sar, đang cho thu hoạch gần 2ha vải thiều và bán với giá khoảng 55.000 đồng/kg.
Ông Thưởng cho biết, việc trồng vải mang lại thu nhập rất tốt cho bà con nông dân tại địa phương.
“Mỗi ha vải gia đình tôi ước tính thu hoạch khoảng 15 tấn quả, trừ các chi phí chăm sóc vẫn lãi được 500-600 triệu đồng. Vải ở Đắk Lắk bán được giá do chín sớm hơn vải của các tỉnh phía Bắc”, ông Thưởng phấn khởi.
Còn ông Lê Văn Long được người dân xã Ea Sar gọi là “trùm vải” do ông đang sở hữu hơn 26ha vải, mỗi năm mang về thu nhập hàng chục tỷ đồng và tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Ông Long cho biết, năm 2015 ông quyết định từ Hải Dương vào Đắk Lắk lập nghiệp. Nhận thấy khí hậu tại huyện Ea Kar phù hợp với cây vải nên ông trồng thử vài héc ta vải giống u hồng và u trứng.

Gia đình ông Long dự kiến thu hoạch khoảng 200 tấn vải trong mùa vụ năm nay (Ảnh: Uy Nguyễn).
Vải Đắk Lắk được thị trường ưa chuộng do chín sớm, ngọt thanh so với nhiều vùng khác nên giá bán khá cao. Do đó, ông Long mạnh dạn mở rộng diện tích và đến nay đã trồng được hơn 26ha vải.
“Năm nay tổng sản lượng vải của gia đình tôi đạt hơn 200 tấn, trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 25 tấn. Trồng vải mang lại doanh thu lớn cho nông dân chúng tôi”, ông Long nói.
Ông Văn Đình Thìn, Chủ tịch UBND xã Ea Sar, cho biết, năm nay đa số bà con nông dân trồng vải của xã đều trúng lớn do vải được mùa, được giá.
Theo ông Thìn, nhờ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, đời sống khấm khá, giúp thay đổi rõ rệt nền kinh tế của địa phương.

Nông dân phân loại, đóng thùng vải để xuất hàng cho thương lái (Ảnh: Uy Nguyễn).
Trước việc một số hộ nông dân trồng vải tự phát, phía chính quyền xã Ea Sar đang phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn sản xuất theo chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu vải.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có hơn 3.000ha vải thiều với hơn 1.600ha vải đang cho thu hoạch với sản lượng đạt khoảng 17.000 tấn. Trong đó, huyện Ea Kar là vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh với hơn 1.000ha.
Vải Đắk Lắk chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường cả nước và xuất khẩu chính ngạch số lượng không nhiều qua thị trường Trung Quốc, Nhật Bản.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm