2 lần sáp nhập xã, nhiều cán bộ mất chế độ chuyên trách
“Hy sinh” là từ ông Chung dùng để chỉ những cán bộ, công chức đã chấp nhận chủ động rút lui để quá trình tinh gọn bộ máy diễn ra nhanh hơn và thuận tiện hơn. Ở tuổi 45, ông cho biết, bản thân và các đồng nghiệp đều muốn tiếp tục làm việc và cống hiến. Tuy nhiên, đứng trước cuộc chuyển động thần tốc với quy mô chưa từng có, nhiều đồng nghiệp của ông chấp nhận lùi lại phía sau.
“Từ đầu năm đến nay, xã tôi đã có 4 cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178, hiện còn 3 công chức đang đề nghị xin nghỉ. Rồi Bí thư đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội phụ nữ cũng đã chủ động có đơn và nguyện vọng nghỉ thôi việc. Những lãnh đạo xã còn lại cũng có thể sẽ tiếp tục xin nghỉ trong thời gian tới nếu cần để thuận cho việc sắp xếp”, ông Chung chia sẻ.
Đầu năm 2025, xã của ông Chung đã được sáp nhập với một xã khác, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã mới. Sắp tới, việc sáp nhập sẽ diễn ra một lần nữa, một xã khác tiếp tục được hợp nhất với đơn vị của ông. Và vị trí Chủ tịch xã hiện tại của ông còn giữ được hay không vẫn chưa có đáp án.
“Mỗi ngày chúng tôi đều mong chờ kế hoạch chính thức từ thành phố về việc sắp xếp, bố trí cán bộ cho xã mới. Tôi và các đồng nghiệp đều rất đồng tình và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức lại bộ máy. Tuy nhiên, chúng tôi mong có chính sách cụ thể sớm để yên tâm công tác hơn”, ông Trần Đình Chung bộc bạch.

Nhiều đồng nghiệp chủ động rời đi khiến ông Chung không khỏi băn khoăn (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).
Trước thềm sáp nhập, ông Chung và các cán bộ cấp xã tập trung giải quyết các công việc về thủ tục hành chính, đất đai, xây dựng, những vấn đề tồn tại cần khắc phục và đang rà soát, hoàn thiện kế hoạch để bàn giao khi vận hành xã mới.
“Đây là giai đoạn chuyển giao, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa. Đôi lúc tôi cũng thấy mất tinh thần vì không chắc có thể tiếp tục công việc đến bao giờ. Tuy nhiên, tôi hiểu bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng khó khăn, thách thức và có người sẽ phải hy sinh lợi ích của mình nên thường xuyên động viên anh em vững tâm làm việc. Nếu thực sự năng lực không còn phù hợp với chiến lược và yêu cầu công việc trong bộ máy mới, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần rút lui”, ông Chung bộc bạch.
Hơn 23 năm gắn bó với công việc trong bộ máy nhà nước, đi từ vị trí một cán bộ Đoàn thanh niên, đến Bí thư đoàn xã rồi Phó chủ tịch UBND xã, hiện ông kỳ vọng có thêm cơ hội để làm việc và cống hiến.
Người giỏi chuyên môn, không trong diện tinh giản cũng rời đi
Những tháng cuối cùng vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 3 cấp, với cương vị là Chủ tịch UBND xã, ông Trần Đình Chung băn khoăn về cơ chế cho những cán bộ không chuyên trách ở xã phải nghỉ việc để thực hiện tinh gọn bộ máy.
“Nhiều người đã từng đi cùng tôi suốt hàng chục năm qua. Tôi hiểu rõ những cống hiến và tâm tư của anh chị em trong suốt chừng ấy thời gian mà nhiều người vì mang danh “cán bộ không chuyên trách” nên những chế độ cũng chưa hợp lý. Điều này khiến tôi rất băn khoăn”, ông Chung nói.
Ngày 1/8 tới đây, nhiều cán bộ không chuyên trách thuộc xã mà ông Chung quản lý sẽ dừng công tác. Nhiều người trong đó vốn là công chức, nhưng quá trình sắp xếp đầu năm vừa qua phải xuống làm ở những vị trí “không chuyên trách”, như Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã,… Lần sáp nhập thứ 2 trước mắt, những cán bộ không chuyên trách như vậy còn không thuộc diện được nghỉ theo Nghị định 178 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67). Suy tư vì thế cứ luẩn quẩn mãi trong đầu ông Chung.

Nhiều cán bộ phải nghỉ việc theo diện “không chuyên trách”, không được hưởng chế độ theo Nghị định 178, dù có nhiều năm cống hiến là điều khiến nhiều lãnh đạo xã, phường trăn trở (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).
Cũng mang nhiều tâm tư trước thềm sáp nhập, ông Vũ Quang Chương, 50 tuổi, Phó Chủ tịch UBND một xã ngoại thành Hà Nội lo lắng khi nhiều cán bộ mẫn cán chủ động rời đi trong thời gian chờ đợi quyết định chính thức.
“Trước sáp nhập, 2 xã chúng tôi có 40 cán bộ, đến giờ chỉ còn hơn 20 người, từ giờ đến cuối năm thêm khoảng 10 người xin nghỉ. Tôi nghĩ chủ động nghỉ sẽ tốt cho quá trình tinh gọn bộ máy. Nhưng có những người rất giỏi chuyên môn, chắc chắn không trong diện tinh giản vẫn rời đi”, ông Chương lo lắng.
Cải thiện đáng kể trang bị, năng lực cán bộ xã
“Vẫn còn nhiều việc phải làm và cải thiện lắm”, ông Chương và ông Chung đều có chung nhận định như vậy, khi được hỏi về việc vận hành xã mới trong tương lai. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều lãnh đạo cấp xã băn khoăn về cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực liệu có đáp ứng được với mô hình mới hay không.
Có gần 30 năm làm cán bộ cơ sở, ông Chương cho biết, nhiều thủ tục hành chính vẫn rất phức tạp, gây khó khăn cho người dân. Định hướng mới của cả nước khi chuyển mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cắt giảm tối đa thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh số hóa để thuận tiện cho người dân và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền. Ông Chương cho rằng việc này cần phải thực hiện một cách căn cơ, hệ thống, bài bản và có định hướng lâu dài mới tránh được những phức tạp phát sinh.
“Tôi hy vọng sắp tới hệ thống máy móc, trang thiết bị, cả năng lực của cán bộ, công chức cấp xã sẽ được bổ sung và cải thiện đáng kể. Nếu không làm được điều này thì việc vận hành bộ máy mới sẽ rất khó khăn”, ông Chương nhận định.
Qua quá trình nghiên cứu về khả năng đáp ứng chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Đức Lam, cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS, thuộc Hội truyền thông số Việt Nam) cũng nhấn mạnh đây là vấn đề tối quan trọng của quá trình tinh gọn bộ máy.
“Đó là một chặng đường dài và cần rất nhiều nguồn lực. Tôi nghĩ trước khi chuyển hẳn sang mô hình chính quyền mới, cần dành thời gian để chuẩn bị nguồn lực về cả vật chất lẫn con người, để cả bộ máy và người dân sẵn sàng. Vì thực tế, khả năng thích ứng với công nghệ của một bộ phận lớn người dân vẫn chưa cao. Đây là vấn đề cần phải tính”, TS. Nguyễn Đức Lam nhấn mạnh.

Nhiều cán bộ xã băn khoăn về bước chuyển đổi làm thế nào để tốt nhất cho người dân (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).
Theo lộ trình, việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp xuống còn 2 cấp đang được triển khai quyết liệt. Dự kiến, việc sắp xếp xã, phường sẽ hoàn thành trước ngày 30/6, trong khi cuộc sáp nhập cấp tỉnh cần hoàn tất trước ngày 30/8.
Để đảm bảo ổn định, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị yêu cầu các địa phương xây dựng đề án chi tiết về tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện, đồng thời chú trọng bố trí cán bộ, trụ sở và phương tiện theo hướng dẫn của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, hoàn thành trước ngày 30/6.
Trong quá trình sắp xếp, Trung ương nhấn mạnh, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư; sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công… Cơ quan lãnh đạo cấp trên cũng yêu cầu các địa phương thực hiện chuyển đổi con dấu, các loại giấy tờ liên quan cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi đơn vị hành chính.
Để tránh gây xáo trộn cuộc sống người dân, các địa phương được yêu cầu tổ chức đại hội đại biểu đảng bộ xã, phường nhiệm kỳ 2025-2030 trước ngày 31/8, đảm bảo sự thống nhất và đồng thuận cao trong quá trình sáp nhập.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm