Chị Hồng thắc thỏm không biết sắp tới có công ty nào sa thải lao động nữa không, bởi từ đầu năm tới nay “công nhân đến hỏi thuê trọ thì ít mà trả phòng đi thì nhiều”.
“TÔI ĐÃ THUỘC HẾT ĐƯỜNG TRONG KHU CÔNG NGHIỆP”
Chị Đặng Thị Tím (35 tuổi, quê Sóc Trăng) đi loanh quanh khu trọ, ngượng nghịu bảo “đi vòng vòng cho mát, phòng nhỏ, mấy đứa con nít tụ tập lại chơi nên nóng lắm”. Phòng chị Tím không có đồ đạc gì, quần áo đôi bộ lẻ được mắc tạm một phía tường. Chị nói hai vợ chồng và đứa con mới lên TP.HCM từ cuối tháng 4 vì “dưới quê trồng lúa thất bát quá”.
Chị Tím kể: “Mấy tháng qua thất nghiệp. Nhà chưa có xe máy, có chiếc xe đạp điện nên tôi lấy nó để đi kiếm việc. Cứ chạy nhong nhong quanh khu công nghiệp vậy đó, cả ngày. Hồi xưa mới lên thấy xe tải, container rất sợ, đi chỉ nhớ mang máng đường, có khi lạc đường hỏi hết người này người nọ mới về tới phòng. Giờ đi kiếm việc nhiều đến mức tôi thuộc hết đường trong khu công nghiệp rồi. Ai nói tôi đường nào, ngóc nào quanh khu này, tôi đều biết hết”.
Để duy trì cuộc sống qua giai đoạn khó khăn, hai vợ chồng ở nhà xếp áo mưa, được gần 100.000 đồng/ngày. Cũng có khi chị đi thẳng ra chợ gần nhà để hỏi có ai cần phụ việc không…
“Nhưng ai ngờ khó tìm việc như vậy, lạ thêm là có mấy công ty đề bảng tuyển dụng trước cổng, khi tôi đến hỏi thì họ bảo chỉ tuyển nam chứ không tuyển nữ. Nghe vậy nên sáng hôm sau tôi đi cùng chồng tới thì công ty bảo đã đủ người. Nhiều khi tôi đùa không lẽ mình đi thẩm mỹ thành nam để có việc. Anh chị em công nhân ở đây bảo là vì mình nữ, lớn tuổi rồi nên công ty không chịu đâu, họ còn cắt giảm mà”, chị Tím cười.
Có lần thấy bất lực quá, chị vào internet tìm việc, sau đó được một người hẹn đến phỏng vấn ở tận Q.Gò Vấp. “Tôi nghĩ công việc là đi bán hàng bình thường như ở chợ thôi, mình lại đang thất nghiệp nên đi thử. Ai dè nhờ hàng xóm bắt xe ôm đi qua đó hết 200.000 đồng, đến nơi họ bắt mua nước rửa chén, lau nhà… hết 275.000 đồng, mà có thấy việc đâu. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”, chị Tím kể lại rồi lắc đầu: “Sau đó, tôi cũng có ra chỗ giới thiệu việc làm khác ở phường. Tôi tự nhủ không để bị lừa nữa, nhưng họ nói tôi sẽ đi tư vấn kinh doanh, khởi nghiệp gì đó, mà tôi làm gì biết mấy cái này. Thế là tôi nghỉ tin trên mạng luôn”.
Khi chúng tôi ngỏ lời muốn kết nối chị Tím đến Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Q.8 (Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM) để chị được tư vấn, tìm công việc phù hợp, thì chị từ chối: “Nhờ người quen nên tôi biết có một công ty gần khu trọ đang tuyển rồi. Chỗ công ty kia đã nhận chồng tôi đi làm trước nên tôi đợi đến khi họ tuyển mình để hai vợ chồng làm chung. Hai vợ chồng cũng có mỗi chiếc xe đạp điện là phương tiện di chuyển thôi, vả lại phải làm gần nhà để đưa đón con đi học”.
NỖI LO MẤT VIỆC TREO LƠ LỬNG
Cách đó vài căn phòng trọ, chị Lê Thị Bích Trâm (40 tuổi, quê Sóc Trăng) tỉ mẩn gấp áo mưa để gọn lại một góc phòng. Chị Trâm là một trong số hàng ngàn công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam bị cắt giảm đợt tháng 2.2023 vừa qua do thiếu đơn hàng.
Từ khi làm việc ở nhà máy đến nay cũng đã 14 năm, chị Trâm không nghĩ có ngày mình thất nghiệp, nằm dài trong nhà chờ cơ hội tới. Anh Khỏe, chồng chị Trâm, cũng là công nhân lâu năm của một công ty chuyên sản xuất thép ở Q.Bình Tân và sắp tới anh sẽ mất việc vì đơn vị cắt giảm nhân sự.
CƠ SỞ GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CÓ ĐƯỢC PHÉP THU PHÍ ?
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay có 2 loại hình tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm của Nhà nước và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Đối với trung tâm dịch vụ việc làm: chỉ được thu phí đối với người sử dụng lao động, mức thu khi tư vấn là không quá 20.000 đồng và khi giới thiệu việc làm là không quá 20% tiền lương 1 tháng đầu ghi trong hợp đồng lao động.
Đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm: khi tư vấn là không quá 10.000 đồng đối với người lao động, không quá 20.000 đồng đối với người sử dụng lao động. Khi giới thiệu việc làm đối với người lao động là không quá 200.000 đồng, đối với người sử dụng lao động là không quá 20% tiền lương 1 tháng đầu ghi trong hợp đồng lao động.
Cần lưu ý, phí giới thiệu việc làm chỉ được thanh toán khi tổ chức giới thiệu việc làm thực hiện xong công việc giới thiệu để người lao động nhận được việc làm.
Lo lắng vì hổm rày vợ tìm việc hoài nhưng không công ty nào nhận, nên cứ hễ có thời gian rảnh sau khi anh tan làm, hai vợ chồng rủ nhau đi khắp Q.Bình Tân để tìm việc. “Chúng tôi còn đi xuống mấy khu công nghiệp như khu Lê Minh Xuân nhưng cũng không có việc. Tôi có đi hỏi thử các công việc bảo vệ siêu thị, cửa hàng… nhưng lương theo giờ rất thấp (17.000 đồng/giờ, thấp hơn so với lương tối thiểu vùng theo giờ 22.500 đồng/giờ – PV) nên nếu chẳng đặng đừng tôi mới đi làm”, anh Khỏe chia sẻ.
Thất nghiệp, chị Trâm cũng lân la thông tin tuyển dụng trên internet. Có lần thấy trên Facebook đăng tuyển lao động phổ thông, chị liên hệ thì được hứa hẹn công việc đãi ngộ tốt. “Họ bảo mình phải đóng trước tiền cọc mấy trăm nghìn, gửi địa chỉ để tôi đến phỏng vấn rồi khi nào làm việc mới trả lại tiền. Do nôn nóng tìm việc nên coi như thí số tiền đó thôi, có cơ hội thì phải thử. Nhưng đến địa chỉ họ gửi thì không thấy ai ở đó, tôi mới biết bị lừa”, chị Trâm kể lại.
Cầm cự đợi có việc làm, mỗi ngày chị Trâm chở áo mưa về rồi chia cho công nhân thất nghiệp trong khu trọ cùng làm. Nếu hết công suất cũng xếp được 400 cái, 100.000 đồng mỗi ngày. “Anh em khó khăn nếu mình có mối làm thì chia sẻ. Với lại không phải ngày nào mình cũng xếp được 400 cái áo mưa. Nhưng quan trọng là có công việc để đỡ khoản tiền đóng trọ, lo cho con đi học”, chị Trâm nói và cho biết thêm: “Tiền ăn vậy còn không đủ, tìm việc lại khó khăn nên tôi sẽ đợi rút bảo hiểm xã hội một lần thôi, rút thì tiếc nhưng không rút thì không sống nổi”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Hồng (46 tuổi, quê Bến Tre) giờ đây có thể nhẹ nhõm hơn khi 3 đợt cắt giảm của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam không có tên mình, nhưng nỗi sợ mất việc vẫn treo lơ lửng. Chị không nói được về tương lai khi anh chị em công nhân và cả chồng chị đang thất nghiệp. “Tôi cũng bị giảm giờ làm, hồi xưa làm đến thứ bảy, nhưng nay tuần chỉ làm từ thứ hai đến thứ năm thôi. Chồng của tôi chạy xe ben, thất nghiệp 1 tháng nay rồi”, chị Hồng kể.
Hỏi lương, chị xúc động: “Làm 22 năm, lương giờ được 10 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu tính ra các chi phí cứng như tiền trọ, tiền điện nước, gạo… thì không còn đồng nào”. Hỏi chuyện 3 ngày không đến công ty thì chị làm gì, chị bảo cứ ở trong phòng vậy chứ không dám đi đâu vì sợ tốn tiền.
Hỏi chị sắm sửa đồ đạc thế nào, có hay đi siêu thị không, chị kể: “Mấy năm rồi tôi không biết siêu thị là gì, cần gì thì ra chợ gần công ty mua cho rẻ. Nhưng thu nhập giảm, ngoài chợ, cái gì cũng tăng, thịt tăng, rau tăng, đến gạo cũng tăng vài trăm đồng/kg”. Chị tính toán cỡ nào cũng phải bám trụ thành phố để lo cho đứa con gái út học hết đại học rồi mới tính chuyện về quê sống. (còn tiếp)
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h