“Tôi đã đốt thời gian, tương lai của mình”
Anh Hoàng Nguyên (35 tuổi, ngụ tại TPHCM), tài xế xe ôm công nghệ ôm đầu hối hận khi nghĩ về 8 năm qua.
Trước đây, anh Nguyên tốt nghiệp trường cao đẳng Hoa Sen (TPHCM), rồi được một công ty nhận vào làm nhân viên kỹ thuật máy tính.
Do thu nhập không cao, anh quyết định làm thêm một công việc khác để có tiền lo cho 2 con.
“Tôi được bạn giới thiệu làm tài xế xe ôm công nghệ. Thời điểm ấy, làm tài xế xe ôm công nghệ không bị gò bó thời gian, lại kiếm được 600.000-800.000 đồng/ngày nên tôi rất hứng thú”, anh Nguyên nói.
Ngẫm thấy công việc cũ gò bó, áp lực, lương thấp, anh quyết định bỏ việc ổn định, sang làm tài xế xe ôm công nghệ.
Tháng ngày sau đó là khoảng thời gian “hoàng kim” của các tài xế như anh Nguyên. Thu nhập cao hơn cả nhân viên văn phòng hay cử nhân mới ra trường là những tin tức khiến cho anh cảm thấy quyết định nghỉ việc của mình là đúng.
Song, thực cảnh 8 năm sau khiến anh phải thốt lên rằng: “Hối hận thì cũng đã muộn. Tôi đã đốt thời gian và tương lai của mình!”.
Giờ đây, anh Nguyên chưa đến 40 tuổi nhưng đã có nhiều triệu chứng về bệnh liên quan đến xương khớp. Làm việc ngoài trời liên tục, ăn uống thất thường đã khiến các bệnh về tiêu hóa hành hạ anh.
Không những vậy, hiện nay thu nhập của tài xế Nguyên bị giảm đến 50% do chiết khấu cho ứng dụng lại tăng cao, sự cạnh tranh về lượng khách.
Mỗi ngày, anh Nguyên lái xe từ 6h đến 23h. Thu nhập của 17 tiếng làm việc dao động từ 300.000-400.000 đồng. Sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống, anh còn giữ lại khoảng 250.000 đồng/ngày.
Chật vật đổi nghề
Thấy nghề này không còn đủ nuôi sống gia đình, anh Nguyên lật đật nộp đơn vào các công ty để mong được quay lại với công việc cũ. Thế nhưng, sức khỏe và độ tuổi của anh dù có xin cách mấy thì xác suất được nhận cũng rất thấp.
“Vốn biết khó quay lại với nghề cũ, tôi đã thử xin làm bảo vệ nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Nếu thời gian có trở lại, tôi sẽ không chọn làm tài xế mà cố bám trụ với nghề mình đã học, đào tạo. Công việc cũ thực sự có áp lực, nhưng dù sao vẫn có tương lai hơn thế này”, anh Nguyên thở dài.
Nam tài xế chia sẻ, anh hi vọng những người trẻ chỉ nên xem nghề này là công việc tạm thời, bởi nó không có sự đảm bảo về lâu dài. Qua đó, người trẻ cần học một nghề nào đó, cần có chuyên môn, tay nghề thì mới mong có cơ hội thăng tiến, ổn định công việc và cuộc sống.
Anh Lê Giang (34 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng có thâm niên làm tài xế xe ôm công nghệ 2 năm. Mỗi ngày, anh Giang làm việc 10 giờ đổi lấy thu nhập 300.000-350.000 đồng. Mức thu nhập thực tế đã giảm 40-50% so với 2 năm trước.
Sau khi trừ phí xăng xe, bảo dưỡng, ăn uống, anh Giang cho biết, khoản thực bỏ túi không được bao nhiêu.
Trong đó, tiền thưởng đã chiếm 30% thu nhập hằng ngày, tài xế phải đạt đủ điểm mới được nhận. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chấm điểm khá khắt khe nên tài xế đôi lúc cũng khó kiếm được khoản tiền ấy.
“Đi làm giống như câu cá vậy, không biết hôm nay thế nào, kiếm được bao nhiêu tiền. Có khi một ngày chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng”, anh Giang nói.
Trước đây, anh Giang từng làm việc trong ngành cơ khí – xây dựng. Do không có nhiều thời gian ở công trường, anh chọn chuyển hướng làm tài xế xe ôm công nghệ để được tự do.
Song, sau 2 năm, sức khỏe của anh ngày càng giảm sút vì các bệnh về hô hấp. Hằng tháng, ngoài tiền chăm lo cho gia đình, anh còn tốn thêm tiền chữa bệnh.
Đến nay, anh Giang quyết định tạm dừng làm tài xế. Buổi sáng, anh xin vào làm những công việc không yêu cầu bằng cấp. Đến tối, anh theo học sửa điện thoại, xe máy để mong đổi nghề.
Theo khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình (trong đó có 182 người là lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ) của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phần lớn tài xế xe ôm công nghệ có thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau khi trừ chiết khấu, họ chỉ nhận lại khoảng 75% thu nhập, chưa tính đến 30% chi phí cho các khoản khác.
Trong đó, có đến 20,65% tài xế xe ôm công nghệ và 36,6% nhân viên giao hàng có trình độ cao. Không ít người đã tốt nghiệp đại học và trên đại học.
TS Huỳnh Thanh Điền (Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho biết, đối với cánh tài xế công nghệ làm việc bán thời gian, việc ế cuốc là chuyện bình thường. Không những vậy, công việc này vốn không cần tay nghề, ai cũng làm được nên lượng người gia nhập thị trường ngày càng tăng, khiến cho cung vượt quá cầu.
Thời điểm này, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh, cung và cầu sẽ tự cân bằng nhau. Từ đó, ông Điền dự đoán sẽ không còn nhiều người theo nghề tài xế xe ôm công nghệ nữa, nguồn lao động sẽ được “trả” lại cho những ngành nghề khác.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm