Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Đi team building, nhân sự trẻ khóc nấc khi bị “ép” hôn người bằng tuổi bố
Sợ hãi chuyến team building “chữa rách vết thương lành”
Đến giờ, Huỳnh Ánh My (24 tuổi, ngụ tại TP Hà Nội), nhân viên văn phòng, vẫn chưa thôi ám ảnh chuyến đi gắn kết, xây dựng đội ngũ (team building) của công ty cũ vào mùa hè năm ngoái.
My chia sẻ, khi vừa tốt nghiệp đại học, cô vào thực tập tại một công ty ở Hà Nội. Đến tháng thứ 5 làm việc tại đây, My nhận thông báo sẽ được tham gia chuyến team building nên cảm thấy rất hào hứng.
“Công ty thường trả lương khá trễ nhưng do là thực tập sinh nên tôi không dám lên tiếng. Thấy công ty có tổ chức team building cho thực tập sinh đi cùng, tôi nghĩ xem như bù qua đắp lại, dù sao cũng được đi miễn phí nên rất trông chờ. Vả lại, công ty cũng quy định nếu ai không đi thì sẽ bị trừ điểm văn hóa hoặc bị giao việc rất nhiều trong những ngày ở nhà”, cô gái nói.
Vào ngày khởi hành, My và đồng nghiệp phải có mặt từ 6h để kịp lên xe di chuyển từ Hà Nội ra Hạ Long. Đến 9h40, xe dừng tại điểm đến.
My chưa thôi uể oải, mệt mỏi sau chuyến đi xa và thời tiết nóng bức thì đã bị giục ra biển để tham gia trò chơi. My bộc bạch có một nữ đồng nghiệp vì quá mệt, không chơi nổi nên ngồi phịch xuống bãi cát. Lúc ấy, người này liền bị đồng nghiệp nam trêu chọc, xô xuống biển.
“Vừa đến nơi là chúng tôi cất đồ ở khách sạn rồi chơi ngay. Các nhân viên phải chia nhau ra chơi trò xách nước, đội nào đổ nhiều nước hơn thì chiến thắng. Trong thời tiết oi bức hôm ấy, tôi nhớ mình đã xách hàng chục xô nước, mệt bở hơi tai. Tôi nghĩ thầm rằng đây là hành xác nhau chứ không phải gắn kết!”, cô gái thở dài, nói.
Sau trò chơi ấy, My và đồng nghiệp cùng ăn trưa với nhau. Bữa ăn chưa diễn ra bao lâu, cấp trên liền yêu cầu tập thể chơi trò “thử thách uống rượu”.
“Một đồng nghiệp nam cầm bình rượu tiến đến, ra quy định nếu ai không uống 3 ly rượu đầy một lúc thì sẽ phải hôn anh ấy. Tôi nghĩ tại sao lại có trò chơi quái đản, biến thái đến như thế. Điều khiến tôi không ngờ là chính tôi đã trở thành nạn nhân của trò chơi ấy”, My bàng hoàng, kể lại.
Cô gái nhớ rõ như in rằng đồng nghiệp ấy đã đến nắm tay và kề sát mặt vào cô. Trong lúc My sợ hãi, vùng vẫy, những người xung quanh lại cổ vũ nhiệt tình, chỉ có 2 đồng nghiệp nữ là cố tách cô ra khỏi người đàn ông bằng tuổi bố của cô.
“Tôi sợ đến mức bật khóc, vì người này cứ kề sát vào mặt tôi. Chỉ khi tôi hét lên rằng mình sẽ uống và cắn răng uống hết 3 ly rượu, người này mới dừng lại, tìm đối tượng tiếp theo. Sau lần đó, tôi ám ảnh và sợ hãi nhiều ngày, đến mức xin nghỉ việc vì không dám đối mặt với bất kỳ ai trên công ty”, My bộc bạch cô đã trình báo sự việc này cho giám đốc, nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đấy.
Tự nguyện thay vì hành xác
Sau lần ấy, cô gái càng cẩn trọng hơn khi xin việc. My chủ động tìm hiểu hoạt động team building của công ty mới, nếu phù hợp thì cô mới xin vào làm.
“Kể từ đó, tôi cũng giữ khoảng cách với đồng nghiệp nam hơn. May mắn, công ty mới tổ chức team building rất nhẹ nhàng, không bắt mọi người ra nắng mà dành thời gian để ăn uống, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Tôi nghĩ đó mới thật sự là team building đúng nghĩa, vì mang tính tự nguyện chứ không hành xác nhau”, My chia sẻ.
Huỳnh Như (26 tuổi), nhân viên văn phòng, từng sốt cao sau chuyến team building cùng công ty. Như cho biết, cô đã phải chơi trò chơi ngoài nắng nóng, rồi nhúng mình dưới nước nhiều giờ liền. Tối đến, cô còn phải tham gia biểu diễn văn nghệ, rồi nhậu góp vui. Vì thế, việc trở lại văn phòng sau mỗi chuyến đi là nỗi cực hình đối với Như.
“Không nhất thiết phải đứng nắng, vận động cho vã mồ hôi thì mới gắn kết với nhau. Công ty có thể tổ chức những trò chơi nhẹ nhàng, tạo cơ hội để nhân viên được trò chuyện nhiều hơn”, Như chia sẻ.
Ông Lâm Phong Nhã, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Saigon Travel JSC, cho hay có không ít nhân viên từ chối đi các chuyến team building do công ty tổ chức hằng năm.
Vì thế, để thu hút người lao động tình nguyện tham gia, ông Nhã cho rằng cần xây dựng một lịch trình trong chuyến đi sao cho thật phù hợp, loại bỏ các chương trình không cần thiết, gây mệt mỏi cho nhân viên.
Trong lịch trình tổ chức team building cho các công ty, đơn vị ông Nhã thường chia thời gian cho phần chơi trò chơi ngoài trời chỉ kéo dài 1-2 tiếng và chọn thời điểm mát mẻ trong ngày.
“Công ty nên đầu tư tổ chức cho đêm gala, văn nghệ thì khả năng gắn kết sẽ cao hơn, lượng nhân viên tự nguyện tham gia cũng nhiều hơn”, ông nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Nữ tiếp viên hàng không “rớt nước mắt” khi bị quản chặt cân nặng, quần áo
Ngày nay, nhiều hãng hàng không trên thế giới vẫn đang đề ra các quy định nghiêm ngặt về ngoại hình của tiếp viên hàng không. Các bộ quy tắc không chỉ hướng dẫn về cách chọn đồng phục, giày dép của nhân viên mà còn về cách trang điểm, làm tóc, thậm chí là cân nặng của họ.
Những năm gần đây, một số hãng hàng không đã dần nới lỏng các yêu cầu này.
Trong đó, hãng hàng không Trung Quốc, Hunan Airlines, trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội tại đất nước tỷ dân nhờ thông báo bãi bỏ yêu cầu tiếp viên nữ phải đi giày cao gót.
Quyết định này được đưa ra nhằm bảo vệ hình ảnh chuyên nghiệp, sự an toàn trong khoang hành khách và sức khỏe của nhân viên. Đây là hành động nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội, thu hút 54 triệu lượt xem và khuyến khích nhiều hãng hàng không khác noi theo.
Trước đây, Hunan Airlines yêu cầu tiếp viên nữ phải đi giày cao gót trước và sau chuyến bay, chỉ cho phép họ thay giày bệt khi ở trong máy bay vì lý do an toàn. Còn giờ, nhân viên được phép đi giày bệt bất kỳ lúc nào họ muốn.
Một cuộc khảo sát do một cơ quan truyền thông trong nước thực hiện cho thấy, gần 85% trong số 2.400 người được hỏi ủng hộ quyết định này.
Các chuyên gia y tế cũng khen ngợi quyết định của hãng hàng không Hunan Airlines. Một bác sĩ của Bệnh viện nhân dân đại học Bắc Kinh cho rằng việc đi giày cao gót trong thời gian dài có thể gây hại cho lòng bàn chân và các ngón chân, đồng thời làm tăng nguy cơ chấn thương ở đầu gối, xương chậu và mắt cá chân.
Zhou Xu, tiếp viên hàng không 34 tuổi, đã làm việc tại một hãng hàng không nội địa lớn trong 10 năm. Cô cho biết bản thân phải đi giày cao gót 5 cm trong ít nhất 4 giờ mỗi ca làm việc.
Các tiếp viên nữ khác cũng phải đi giày cao gót khi đi qua nhà ga sân bay, lúc lên máy bay và khi tiến hành kiểm tra an toàn cho hành khách. Họ có thể đổi sang giày bệt trước khi máy bay cất cánh, nhưng phải đổi lại thành giày cao gót sau khi hạ cánh.
“Nếu có thể lựa chọn, chúng tôi chắc chắn sẽ không chọn đi giày cao gót”, Zhou nói.
Zhou cho biết việc đi giày cao gót khi làm việc không chỉ mệt mỏi mà còn có thể không an toàn, đặc biệt là khi nhân viên phải lên và xuống máy bay qua cầu thang hẹp và dốc.
” Mỗi năm, có 1-2 trường hợp nhân viên nữ bị ngã cầu thang. Một số đồng nghiệp còn bị kẹt gót chân giữa các khe hở trên cầu thang”, Zhou chia sẻ.
Cô cho hay giày dép chỉ là một phần của quy định về trang phục. Nhân viên nữ tại công ty còn phải tuân theo các hướng dẫn chi tiết về cách tạo kiểu tóc, móng tay và thậm chí cả màu son môi mà họ sử dụng. Mặc dù hiểu các công ty làm vậy là để duy trì hình ảnh chuyên nghiệp, Zhou vẫn thấy một số quy tắc là không cần thiết.
Trước đó, hãng hàng không Hainan Airlines từng bị chỉ trích khi yêu cầu tiếp viên hàng không phải duy trì tỷ lệ chiều cao trên cân nặng đã định vào năm 2023.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Bị cho thôi việc, người đàn ông “ăn vạ” đòi tiền học tiến sĩ 2 tỷ đồng
Năm 1992, ông Nguyễn Quang Hải (55 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu) và Công ty Minh Bình ký hợp đồng lao động, nơi làm việc là tàu chứa dầu.
Năm 1995, ông Hải được thuyên chuyển về làm việc tại tàu chứa dầu FSO Chí Linh. Sau đó, người đàn ông này được công ty cử đi làm việc tại Singapore, Nhật Bản.
Khi trở về nước, ông Hải tiếp tục làm việc tại công ty này và nhiều lần được tăng lương. Trải qua 29 năm làm việc tại doanh nghiệp này, kinh qua các vị trí công tác khác nhau, ngày 6/1/2021, ông Hải “bất ngờ” bị người sử dụng lao động cho thôi việc
Cho rằng phía công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, ông Hải liên tục khiếu nại. Người đàn ông này cho rằng lý do mình bị đuổi việc là do đã phản ánh những tiêu cực xảy ra tại nơi mình làm việc.
“Cực chẳng đã” ông Hải tìm tới tòa án với hy vọng nỗi niềm của mình sẽ được giải quyết thông qua con đường tố tụng.
Theo đó, người đàn ông này yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, khôi phục chức danh, các khoản thu nhập 7,4 tỷ đồng. Trong đó, yêu cầu công ty chi trả tiền học tiến sĩ 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông ta cũng yêu cầu tòa buộc một số người liên quan (giám đốc, trưởng phòng nhân sự) bồi thường thiệt hại tinh thần và nhân phẩm.
Phía bị đơn cho rằng, hợp đồng lao động với ông Hải đã hết hạn ngày 31/12/2020. Sau khi hợp đồng hết hạn công ty không có nhu cầu tái ký nên chấm dứt và đã thực hiện đúng, đủ theo trình tự, thủ tục.
Từ đó, đại diện Công ty Minh Bình đề nghị HĐXX không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hải.
Hồi đầu năm, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, chấp nhận 1 phần đơn khởi kiện của ông Hải. Theo đó, tòa buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn 8,2 triệu đồng còn các yêu cầu khác không được chấp nhận.
Không chấp nhận phán quyết trên, ông Hải kháng cáo, đề nghị sửa án sơ thẩm, chấp nhận đơn khởi kiện.
Vừa qua, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm. Tại tòa, ông Hải giữ nguyên kháng cáo, đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện.
Ngược lại, phía bị đơn cùng một số người liên quan đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo của nguyên đơn, tuyên y án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX xem xét toàn bộ nội dung vụ án và cho rằng từ ngày công ty thông báo chấm dứt hợp động lao động với ông Hải tới ngày ban hành quyết định mới chỉ 20 ngày nên còn thiếu tối thiểu 10 ngày (hợp đồng có thời hạn thông báo trước 30 ngày – PV).
Do đó, yêu cầu của nguyên đơn về thời gian thông báo là có căn cứ chấp nhận. Vì vậy, buộc Công ty Minh Bình phải bồi thường cho ông Hải số tiền tương đương với 10 ngày không thông báo trước.
Mức lương ông Hải được hưởng 1.030 USD/tháng, sau khi quy đổi tỷ giá, tòa buộc bị đơn phải bồi thường cho ông Hải 8,2 triệu đồng.
Đối với yêu cầu đòi công ty phải đền bù cho mình chi phí đào tạo trình độ tiến sĩ 2 tỷ đồng, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng nguyên đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ, chứng minh bị đơn có quyết định cử ông Hải đi học. Trong các quyết định doanh nghiệp này cử cán bộ đi đào tạo không có tên người đàn ông này.
Mặt khác, phía bị đơn cho rằng ông Hải tự bỏ tiền đi học tập, nghiên cứu chứ công ty không cử đi đào tạo.
Vì vậy, HĐXX không có căn cứ xem xét yêu cầu của người đàn ông này về việc buộc công ty Minh Bình chi trả kinh phí đào tạo tiến sĩ.
Đối với yêu cầu một số người liên quan bồi thường tổn thất tinh thần, tổn thất khác, tòa cho rằng không có căn cứ chấp nhận. Từ đó, tòa tuyên bác kháng cáo của ông Hải, tuyên y án sơ thẩm.
Làm việc, công hiến cho công ty phân nửa đời người nhưng khi bước vào tuổi lục tuần, ông Hải bị cho thôi việc trong “ngậm ngùi”.
* Tên các đương sự đã được thay đổi.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Từ chối giao thi thể người đã khuất, shipper bị khách hàng báo cáo
Ở Trung Quốc, thi thể phải được vận chuyển bằng xe tang chuyên dụng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Họ thường có các cơ sở để lưu trữ và làm lạnh tử thi, cũng như các thiết bị khử trùng, bảo vệ, ngăn ngừa sự lây nhiễm các mầm bệnh từ xác chết.
Luật pháp Trung Quốc cũng quy định, không có đơn vị hoặc cá nhân nào được cung cấp dịch vụ vận chuyển thi thể nếu không được cấp phép.
Những quy định tưởng là tất yếu nhưng bỗng chốc có một làn sóng tranh luận trên mạng xã hội nước này, liên quan đến việc khách hàng khiếu nại khi shipper từ chối giao thi thể người mất. Sự việc khiến các bên đều bức xúc.
Nam shipper cho biết anh làm việc tại một công ty giao hàng nổi tiếng tại tỉnh Sơn Đông, hoạt động từ năm 2013. Công ty có nhiều loại phương tiện giao hàng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là xe tải nhỏ và xe tải thùng, cung cấp nhiều dịch vụ vận chuyển đường dài lẫn chặng ngắn.
Anh từng nhận nhiều đơn hàng lạ nhưng đơn hàng gần đây nhất thực sự khiến anh sốc. Cụ thể, hệ thống ứng dụng của công ty đã nhận được đơn hàng không ghi rõ thông tin về vật bên trong.
Sau một hồi trao đổi với khách hàng, nam shipper phát hiện đó là thi thể một người đã khuất.
“Mặc dù đã ấn nhận đơn hàng, nhưng tôi không biết đó là một xác chết”, nam shipper hốt hoảng trao đổi lại, đề nghị khách hàng hủy đơn. Người đặt hàng ngỏ ý sẽ trả thêm tiền nhưng shipper một mực từ chối.
“Dù anh có trả giá cao hơn nữa, tôi cũng không thể vận chuyển tử thi được”, anh kiên quyết trả lời.
Khách hàng đã tỏ ra thất vọng và dọa sẽ khiếu nại về đơn vị chuyển phát nhanh. Đại diện công ty giao hàng cho hay các xe của công ty không được trang bị đủ điều kiện để vận chuyển thi thể người.
“Khách hàng nên lựa chọn dịch vụ chuyên nghiệp cho mục đích đó. Nếu khách hàng này vẫn tiếp tục khiếu nại, bên giao hàng có thể kháng cáo”, đại diện công ty nói.
Vụ việc đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
“Người chuyển phát nhanh nên báo cáo việc này với cảnh sát. Việc vận chuyển một thi thể mà không tuân thủ đúng quy định sẽ gây nghi ngờ về động cơ của khách hàng và nguồn gốc của thi thể”, một cư dân mạng bình luận.
Không ít người đề cập vấn đề khác, khi một số nhà tang lễ tính phí hơn 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) cho quy trình vận chuyển thi thể vô cùng phức tạp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- « Previous Page
- 1
- …
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- …
- 43
- Next Page »