Tuồn từ mũi khoan tới hàng nặng cỡ… tấn ra ngoài
Cuối tháng 4, khi kiểm kê hàng hóa, công ty Nobland (TPHCM) phát hiện thiếu một số hàng. Theo đơn vị này, số hàng bị mất là 3.000 sản phẩm may mặc, trị giá 70 triệu đồng.
Theo phản ánh của công nhân, ban lãnh đạo công ty cho rằng công nhân lén lút đưa số hàng này ra ngoài bán lại nên trách nhiệm thuộc về 112 lao động khu vực hoàn thành, nơi hoàn thiện sản phẩm.
Từ đó, công ty yêu cầu mỗi công nhân tại khu vực hoàn thành phải góp một phần tiền trả lại số hàng bị mất. Công ty chịu thiệt hại 40 triệu đồng, còn 30 triệu đồng chia đều cho 112 lao động, mỗi người bị khấu trừ vài trăm ngàn trong lương tháng 4.
Bức xúc vì cách xử lý trên, tập thể công nhân Nobland đã gửi đơn khiếu nại. Sau khi làm việc với các cơ quan chức năng, công ty Nobland đã hoàn trả tiền cho người lao động trong ngày 10/5. Sau đó, công ty Nobland trình báo công an điều tra vụ việc.
Cách xử lý bằng hình thức trừ lương của công ty Nobland là không đúng quy định pháp luật lao động và họ đã phải khắc phục. Tuy nhiên, điều đó cho thấy khó khăn của đội ngũ quản lý nhà máy trong việc bảo vệ tài sản công ty.
Thực tế, tình trạng công nhân lấy cắp hàng hóa, sản phẩm của công ty đưa ra bên ngoài tiêu thụ không chỉ xảy ra tại các nhà máy ở TPHCM mà còn phổ biến ở các tỉnh tập trung số lượng lớn nhà máy, xí nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Giữa năm 2023, công an Khu công nghiệp VSIP I (Bình Dương) phát hiện 1 nữ công nhân tại công ty V. lợi dụng giờ nghỉ trưa trộm mũi khoan và dao ở xưởng sản xuất, đem về phòng trọ cất giấu rồi bán lấy tiền tiêu xài.
Chỉ với 2 mặt hàng rẻ tiền là mũi khoan và dao nhưng nữ công nhân này lấy nhiều lần nên tổng số hàng hóa bị mất cũng đến 287 triệu đồng.
Táo tợn nhất là vụ án xảy ra cuối năm 2023 tại công ty B. (đóng tại KCN Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai). Ngày 9/11/2023, 2 công nhân làm việc tại kho chì của công ty này cấu kết cùng tài xế, đưa cả xe container vào kho chì, lấy trộm 70 thỏi chì nặng hơn 2 tấn chở ra ngoài bán.
Cần xử lý sao cho đúng pháp luật
Theo cán bộ công đoàn một doanh nghiệp gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Đồng Nai, việc công nhân trộm hàng đưa ra ngoài bán là nỗi lo của quản lý các xưởng, nhất là ở những doanh nghiệp sản xuất quần áo, giày dép…
Dù công ty có lực lượng kiểm soát và camera giám sát bên trong xưởng, khuôn viên nhà máy và bảo vệ cổng nhà máy kiểm tra ra vào… nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng này.
Theo vị này, việc lấy cắp hàng hóa chỉ mang lại cho công nhân lợi ích nhỏ nhưng doanh nghiệp thiệt hại lớn khi bị đối tác phát hiện hàng gia công độc quyền bày bán bên ngoài, không đủ đơn hàng giao cho đối tác…
“Trong trường hợp bị hủy đơn hàng, hủy hợp đồng, thậm chí là ngừng hợp tác thì doanh nghiệp thiệt hại nặng nề”, bà chia sẻ.
Tháng 7/2020, Công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cũng đã triệt phá đường dây công nhân cấu kết với bảo vệ để trộm cắp hàng hóa tại một công ty giày da đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch.
Thủ đoạn của nhóm này rất đơn giản là công nhân sản xuất lén lút lấy giày thành phẩm đến chỗ kín quấn chặt vào thắt lưng, sau đó phủ áo lên che lại. Khi ra cửa, bảo vệ đã được móc nối trước nên ngó lơ cho công nhân đem giày ra mà không kiểm soát.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch công đoàn công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (TPHCM), cho biết là cách đây rất lâu, công ty có vụ mất cắp vài trăm đôi giày xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy thực hiện quy trình an toàn sản phẩm nên hầu như không còn xảy ra mất cắp.
Theo ông Cường, trộm cắp hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật. Khi có vụ việc xảy ra, không nên đặt nghi vấn lên bất kỳ lao động nào trong doanh nghiệp bởi nếu làm vậy có thể ảnh hưởng uy tín, danh dự của người không liên quan.
Ông Cường cho rằng: “Cách xử lý tốt nhất là trình báo ngành chức năng để điều tra, xử lý đúng người, giúp chấm dứt tình trạng lấy cắp hàng hóa”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm