Theo khảo sát mới đây của Anphabe, có đến 46% doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài chất lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc.
Khối lượng công việc tăng, vị trí mới liên tục xuất hiện
Bà Điêu Hoàng Tú Uyên, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn nhân lực của Anphabe, dẫn lại báo cáo “Work Change Report 2024” của LinkedIn (tạm dịch là Báo cáo về sự thay đổi trong công việc) công bố hồi tháng 1.2025, cho biết hiện nay người đi làm đang phải xử lý khối lượng công việc gấp đôi so với cách đây 15 năm.
Bên cạnh đó, hơn 10% người lao động hiện tại đang làm những công việc mà trước năm 2000 chưa từng tồn tại.

Cả doanh nghiệp và người lao động đều đang bước vào giai đoạn “đại xáo trộn” do ảnh hưởng của AI
ẢNH: HOÀI NHIÊN
Một số công việc phổ biến ngày nay nhưng hoàn toàn mới mẻ vào thời điểm năm 2000 có thể kể đến như chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư full stack (lập trình và phát triển website hoặc ứng dụng từ đầu đến cuối), lập trình viên frontend (thiết kế giao diện người dùng), quản lý các kênh truyền thông số, lập trình viên web, kỹ sư dữ liệu, chuyên viên phát triển kinh doanh, kỹ sư khoa học dữ liệu, chuyên viên HRBP (nhân sự đóng vai trò hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh), quản lý quan hệ kinh doanh…
Theo bà Tú Uyên, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến công việc, đặc biệt là khi xét đến các kỹ năng mà người lao động cần có. Những kỹ năng này đang thay đổi nhanh chóng, và xu hướng sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Dự báo đến năm 2030, khoảng 70% kỹ năng hiện đang được sử dụng trong các công việc sẽ thay đổi và AI chính là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi đó.
Doanh nghiệp và người lao động đang trong giai đoạn “đại xáo trộn” vì AI
Theo bà Tú Uyên, trong năm 2024, đã có đến 78% doanh nghiệp trên thế giới ứng dụng AI vào ít nhất một hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, chỉ khoảng 32% doanh nghiệp ứng dụng AI, và phần lớn việc này vẫn do phòng công nghệ thông tin dẫn dắt.
Các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đang áp dụng AI bao gồm: chăm sóc và tư vấn khách hàng, thiết kế sản phẩm, tiếp thị cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng.
Dù còn khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và những biến động của thị trường.

ĐỒ HỌA: P.T.N
Cụ thể, 61% doanh nghiệp cho biết có khả năng cao và 14% cho biết có khả năng rất cao sẽ triển khai ứng dụng AI rộng rãi trên toàn công ty trong vòng 5 năm tới.
Tuy vậy, khi triển khai AI trên quy mô toàn doanh nghiệp, nhiều công ty gặp phải 3 thách thức chính, đó là nhân viên không có đủ thời gian để học cách sử dụng (khoảng 40%), thiếu sự phối hợp giữa các phòng ban (34%) và phần mềm AI đòi hỏi thời gian làm quen và sử dụng thành thạo (32%).
Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm cách ứng dụng AI vào hoạt động của mình, thì người lao động lại đang đi trước trong cuộc chơi này.
Theo khảo sát của Anphabe, có tới 56% người lao động đã từng tiếp xúc và sử dụng AI hoặc công nghệ trong công việc, và 77% cho biết họ sử dụng chúng ít nhất mỗi tuần. Chỉ có 24% là hoàn toàn chưa từng dùng hoặc chưa biết đến AI trong công việc hay cuộc sống hằng ngày.
AI hiện được ví như một “siêu trợ lý” hỗ trợ công việc, và phần lớn người lao động có cái nhìn tích cực về công nghệ này.
Gần 80% cho rằng AI giúp họ tiết kiệm thời gian, đồng thời bày tỏ mong muốn AI có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa trong công việc hằng ngày.
Trong thực tế, người lao động đang sử dụng AI cho nhiều mục đích khác nhau, phổ biến nhất là để viết như email, báo cáo hoặc bài thuyết trình (chiếm 54%), tiếp theo là dịch thuật (50%), sáng tạo và phát triển ý tưởng (49%), và học tập, mở rộng kiến thức (cũng 49%).

ĐỒ HỌA: P.T.N
Đáng chú ý, người lao động Việt Nam thể hiện sự chủ động rất lớn khi sử dụng AI. Gần 66% trong số qua khảo sát sẵn sàng làm lại nếu kết quả AI mang lại chưa đúng ý, và khoảng 56% sẽ chủ động tìm hiểu lại cách đặt câu hỏi hoặc hướng dẫn AI sao cho hiệu quả hơn.
Để sử dụng công nghệ và AI hiệu quả trong công việc, nhiều người lao động cho biết họ cần thêm thời gian để tìm hiểu và học kỹ trước khi áp dụng vào thực tế.
Thực tế, có tới 42% người lao động thừa nhận lý do chính khiến họ chưa dùng AI nhiều là vì chưa có đủ thời gian để học và làm quen với công nghệ này.
Thay đổi hay bị thay thế?
Theo Anphabe, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo rằng đến năm 2025, AI có thể khiến 85 triệu người mất việc nhưng đồng thời cũng tạo ra 97 triệu việc làm mới. Những công việc mới đòi hỏi người lao động phải học thêm kỹ năng mới và nhanh chóng thích nghi.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo rằng đến năm 2030, hơn 40% công việc trên toàn cầu sẽ có sự ảnh hưởng bởi AI. Trong đó, khoảng một nửa số người lao động có sự ảnh hưởng sẽ được hưởng lợi (ví dụ như có công cụ hỗ trợ tốt hơn, năng suất tăng lên), còn nửa còn lại có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, như bị giảm lương hoặc mất việc ngay lập tức.

ĐỒ HỌA: P.T.N
Mặc dù có thái độ đón nhận khá tích cực về AI trong công việc, người lao động cũng có những nỗi lo lắng rất rõ ràng về “tác dụng phụ” khi AI giúp họ.
Dù phần lớn người lao động hiện nay có cái nhìn tích cực với việc ứng dụng AI trong công việc, những lo lắng cũng rất rõ ràng.
Khoảng một nửa người lao động lo ngại rằng AI sẽ dần thay thế nhiều vị trí việc làm, và 43% cảm thấy không yên tâm về chất lượng công việc khi có sự tham gia của AI, đặc biệt là ở những khâu đòi hỏi sự chính xác hoặc sáng tạo cao.
Anphabe nhận định rằng, cả doanh nghiệp lẫn người lao động đang bước vào giai đoạn “đại xáo trộn” do ảnh hưởng của AI. Chính vì vậy, ai thích nghi được sẽ tiến lên, còn ai chậm chân sẽ dễ bị bỏ lại phía sau.
Lao động – Tin Tức Việc làm