Anh Ngãi giải thích “Sok” trong Sokfarm, theo tiếng Khmer có nghĩa là “hạnh phúc” và cái tên này thể hiện mong muốn của hai vợ chồng về việc xây dựng một nền nông nghiệp hạnh phúc, vững bền.
Tạo giá trị mới cho cây đặc sản
Ban đầu hai vợ chồng anh Ngãi khảo sát và thấy Trà Vinh có hơn 25.000 ha dừa (diện tích trồng dừa của Trà Vinh chỉ đứng sau Bến Tre). Đây là một nguồn tài nguyên phong phú, nhưng dừa thường bị bán đi với giá rẻ. Chưa kể, nghề thu mật hoa dừa truyền thống của người Khmer lại đang mai một, nông dân bỏ vườn đi làm ăn xa xứ.
“Trong xu hướng thế giới chuyển đổi xanh, mật hoa dừa là sản phẩm tự nhiên mới trên thị trường. Với mong muốn giúp đỡ bà con nông dân và vực dậy giá trị cây dừa nên hai vợ chồng quyết định dành hết tâm huyết cho ý tưởng mới này”, anh Ngãi kể.

Anh Phạm Đình Ngãi
ẢNH: NVCC
Nhớ lại thời gian đầu, anh Ngãi được ba vợ cho 20 cây dừa để thử nghiệm thu mật. Nhưng làm không ra kết quả, anh Ngãi tiếp tục thử nghiệm trên 100 cây. Anh mất 6 tháng tìm ra “mẫu số chung” để thu mật, từ tính toán độ cao, số buồng, độ tuổi hoa, đến cách uốn hoa không gãy.
Sau đó, anh thử nghiệm chế biến thủ công suốt 1 năm để hoàn thiện quy trình, đồng thời xây xưởng, thiết kế bao bì… Đến tháng 9.2019, sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên chính thức ra mắt thị trường.
“Đến nay, công ty đã cho ra đời 6 sản phẩm từ mật hoa dừa, thu mua khoảng 40 – 45 tấn hoa dừa tươi từ nông dân và sản xuất được khoảng 15 tấn thành phẩm mỗi tháng. Các sản phẩm cũng được phân phối tại 40 tỉnh, thành và xuất khẩu đến 7 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính như Nhật, Đức, Mỹ, và Úc. Thế giới đánh giá vị ngọt của hoa dừa là ‘vị ngọt bền vững’, tốt cho sức khỏe và khác so với những loại đường khác”, anh Ngãi cho biết.
Ngoài ra, Sokfarm còn đang hợp tác với 35 nông hộ, chủ yếu là người Khmer và ai nấy đều có thêm thu nhập ổn định. Chỉ với 20 cây dừa, mỗi hộ gia đình có thể kiếm từ 5 – 6 triệu đồng/tháng từ nguồn lợi mật hoa.
Khi được hỏi điều gì khiến mình hạnh phúc nhất trong hành trình khởi nghiệp này thì anh Ngãi nói ngay là tạo ra được giá trị mới cho cây dừa, giúp người nông dân bám đất và phát triển kinh tế.

Anh Phạm Đình Ngãi và vợ là chị Thạch Thị Chal Thi đem mật hoa dừa của miền Tây đi khắp thế giới
ẢNH: NVCC
“Cây dừa là cây bản địa, gắn bó với đời sống người miền Tây. Ở vùng ngập mặn, trái dừa thường nhỏ hoặc không có trái, nhưng hoa dừa vẫn phát triển tốt. Trong 10 – 20 năm nữa, tôi tin là mô hình của Sokfarm có thể trở thành lời giải cho bài toán sinh kế ở các vùng này, nhất là khi xâm nhập mặn gia tăng. Cây dừa cũng chắn gió, chống xói mòn và hấp thụ 25 – 70 tấn CO2/ha mỗi năm, góp phần tạo tín chỉ carbon và tiềm năng lớn cho phát triển bền vững”, anh chia sẻ.
Anh Ngãi cũng nhấn mạnh nguyên tắc áp dụng quy trình hữu cơ từ vùng trồng đến sản xuất để giữ đất, nước và môi trường sạch, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và người tiêu dùng.
“Tôi cũng kỳ vọng nông sản Việt sẽ ngày càng được nâng tầm nhờ sự quan tâm của nhà nước, nhất là khâu đầu tư vào chế biến, thiết kế, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Nông nghiệp hữu cơ cũng là cơ hội lớn cho các bạn trẻ khởi nghiệp, góp phần phát triển giá trị nông sản bản địa”, CEO của Sokfarm cho hay.
“Tôi có thể làm công việc này tới già!”
Từng làm nhiều công việc khác ở TP.HCM nhưng anh Trần Minh Luân (32 tuổi) chọn trở về quê để gần gũi gia đình và làm việc cho Sokfarm. Hiện tại, anh là nông hộ liên kết thu mật hoa dừa cho Sokfarm và đã gắn bó với công việc này được 1 năm.
Anh Luân kể một ngày làm việc của mình như sau: Anh bắt đầu công việc từ 5 giờ và đi thu mật hoa dừa theo từng đợt cố định. Trong ngày, anh cũng sẽ chăm sóc vườn, cắt cỏ, bón phân và bó hoa để đảm bảo mật không bị gián đoạn. Đến tối, anh thu mật hoa thêm lượt cuối thì xong việc.
Hỏi anh học nghề ở đâu, anh nói là ngoài quy trình Sokfarm hướng dẫn thì anh cũng sẽ học từ những người đi trước. Theo anh Luân, thu mật hoa dừa là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ vì mỗi cây dừa có cách xử lý và cách massage cho hoa dừa ra mật khác nhau.

Anh Trần Minh Luân thu mật hoa dừa
ẢNH: NVCC
“Làm lâu mới hiểu được mật hoa phát triển ra sao và cách chăm sóc cây dừa sao cho tốt. Ban đầu, tôi thử thu mật từ vài cây dừa thấp trong vườn nhà, nhưng mỗi ngày giao chỉ được 1,5 lít mật thôi, và chỉ đủ tiền ăn sáng. Nhưng dần dần, quen tay, tôi đầu tư thêm vườn khác, thu nhập tăng lên. Tôi thấy làm dừa lấy mật hiệu quả hơn bán dừa khô. Mẹ tôi cũng mừng, chứ ban đầu không tin tôi lắm”, anh chia sẻ.
“Anh có nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này lâu không?”, chúng tôi đặt câu hỏi.
Anh Luân liền nói: “Sokfarm hỗ trợ từ phân bón hữu cơ đến kỹ thuật chăm sóc. Nhờ làm quy trình hữu cơ mà cây dừa được chăm tốt, đất không bị chai cứng. Cỏ thì không diệt mà chỉ cắt thôi. Bước vào vườn nhìn cỏ xanh mát như sân bóng vậy đó. Tôi đi một mình trong vườn, hát nghêu ngao, lấy mật hoa và có tiền.
Tôi cũng thích cảm giác thu ra mật nhiều, tự tay mình gọt hoa, cột hoa lại, rồi uống thử mật hoa vì thơm lắm. Tôi tự hào về công việc của mình đến độ đi đâu cũng huyên thiên nói về cây dừa. Ai hỏi làm sao lấy mật, chăm sóc cây là tôi nói cả ngày không chán. Tôi nghĩ tôi có thể làm công việc này tới già”.

Sokfarm áp dụng quy trình hữu cơ từ vùng trồng cho tới sản xuất
ẢNH: CTV
Gắn bó vì giá trị tích cực của “việc làm xanh”
Là người Trà Vinh, nhà cách Sokfarm chừng 2 km, anh Kim Hoành Huynh (23 tuổi) đã gắn bó với Sokfarm từ những ngày đầu. Hiện nay, Huynh làm nhân viên bán hàng và truyền thông cho công ty.
Huynh chia sẻ: “Sokfarm theo đuổi tiêu chí hữu cơ từ chăm sóc cây dừa đến quy trình sản xuất. Mặc dù hướng đi này không dễ dàng, nhưng sự tâm huyết của đội ngũ sáng lập đã truyền cảm hứng cho tôi. Ngoài ra giá trị sản phẩm mang tới cho khách hàng, Sokfarm còn giúp những người đồng hành như tôi được làm việc gần nhà. Nông dân có thu nhập ổn định, cánh mày râu bớt rảnh rỗi, rượu chè để dành thời gian chăm sóc gia đình. Gia đình ai nấy đều khăng khít hơn. Nói chung công việc thoải mái, đúng với tinh thần nông nghiệp hạnh phúc”.
Về thách thức, Huynh cho biết việc bán và truyền thông cho sản phẩm mới như mật hoa dừa đòi hỏi nhiều nỗ lực thuyết phục khách hàng. Tuy nhiên, anh lạc quan về tiềm năng của ngành, nhất là trong bối cảnh miền Tây chịu xâm nhập mặn và mật hoa dừa ổn định hơn so với giá trái dừa.

Nhân viên gắn bó với công ty vì giá trị cộng đồng mà công ty mang lại
ẢNH: NVCC
Chị Kim Thị Thu Thủy (30 tuổi) cũng là người dân địa phương, phụ trách quản lý sản xuất cho nhà máy của Sokfarm. Chị cho biết nhiệm vụ hằng ngày của chị là kiểm tra chất lượng chiết rót, đóng gói, xuất kho và hướng dẫn nhân viên thao tác làm việc.
Làm ở Sokfarm cũng đã 4 năm, điều chị Thủy thích nhất ở đây chính là môi trường an lành, thoải mái và thuận tiện để chăm sóc gia đình. Chồng chị cũng là nông hộ thu mật hoa dừa của Sokfarm và hai vợ chồng mê thức uống này.
“Mỗi ngày tôi đều uống mật hoa dừa, vì mình biết nó an toàn và thực tế là sức khỏe của tôi cũng tốt hơn, không bị lở miệng như trước. Tôi cảm thấy hạnh phúc và muốn gắn bó lâu dài với công việc, vì tôi cũng cảm nhận được những giá trị tích cực mà mình đang góp phần tạo ra cho cộng đồng”, chị Thủy chia sẻ.
Lao động – Tin Tức Việc làm