Đánh giá tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 93, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2022, Việt Nam có gần 4,85 triệu người rút BHXH 1 lần.
Gần 1,3 triệu người trong số này sau đó đã quay trở lại hệ thống khi tiếp tục đi làm và đóng BHXH (chiếm 26%). Đáng chú ý, bình quân cứ 1,5 người vào lưới an sinh thì 1 người rời khỏi hệ thống an sinh xã hội này.
Lao động Đông Nam bộ và ĐBCSL chiếm 60% người rút BHXH 1 lần với gần 3,55 triệu người rời hệ thống an sinh chưa quay lại.
Tây nguyên cùng Trung du miền núi phía Bắc có số lao động rút thấp nhất, lần lượt gần 125.000 người (chiếm 3%) và 301.500 người (chiếm 7%) tổng số người rút BHXH 1 lần trong cùng giai đoạn.
Riêng từ 2016 – 2021, gần 1,4 triệu lao động vùng Đông Nam bộ rút BHXH 1 lần với lượng người rút năm 2021 cao gấp 1,5 lần so với năm 2016. ĐBCSL có hơn 970.160 người rút với số lượng rút tăng 2 lần.
Bộ LĐ-TB-XH lý giải, các vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ, làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh.
Về khu vực làm việc, gần 91% lao động rút BHXH 1 lần làm việc trong doanh nghiệp; 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, lao động khối tư nhân và FDI chịu áp lực công việc lớn nên thường có tâm lý “nhảy việc”. Họ thường chọn nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng BHXH 1 lần trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.
Khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB-XH cùng Ban Kinh tế T.Ư, BHXH Việt Nam cho thấy, tình trạng “nhảy” việc của công nhân khá phổ biến, thời gian gắn bó với doanh nghiệp ngắn, đặc biệt ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai.
Còn theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) về tình trạng rút BHXH 1, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút BHXH 1 lần.
Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% lại là vì lo lắng vào sự ổn định của chính sách BHXH. Khi được hỏi về khả năng đóng lại BHXH, 48% số lao động từng rút BHXH cho biết không muốn đóng lại.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, thời gian đóng BHXH dài là lý do khiến nhiều lao động không đủ kiên nhẫn, muốn rời hệ thống. Vì vậy, tại dự thảo luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm số lao động rút BHXH 1 lần, trong đó rút ngắn thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm. Cơ quan soạn thảo tính toán sửa đổi điều kiện này sẽ giảm 10.000 – 40.000 người hưởng 1 lần mỗi năm.
Bên cạnh đó, điều kiện rút BHXH 1 lần cũng được sửa đổi theo hướng giữ nguyên như hiện hành, hoặc giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ.
Qua thực tiễn tổ chức chính sách, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, số người hưởng BHXH 1 lần tương đương số người tham gia hệ thống BHXH. Trong khi đó, số người hưởng BHXH 1 lần quay trở lại tham gia BHXH chỉ bằng 1/4 số người đã hưởng.
Một trong nội dung cần thiết sửa đổi luật BHXH là BHXH 1 lần, nếu được lựa chọn như phương án Nghị quyết 93 thì không đạt mục tiêu chính sách nên BHXH nghiêng về phương án 50 – 50. Tức là 50% người lao động có nhu cầu được giải quyết BHXH 1 lần với trợ cấp 50% đóng.
Theo kinh nghiệm quốc tế, ông Sơn cho hay, không có nước nào cho hưởng BHXH 1 lần. BHXH Việt Nam đề nghị cần phân tích kỹ và bổ sung thêm một số chính sách khi người lao động không rút BHXH 1 lần và cần định hướng chỉ đạo công tác tuyên truyền…
Nghị quyết 93 của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động được ban hành tháng 6.2015.
Đây là nghị quyết bất thường cho tạm dừng điều 60 luật BHXH 2014 ngay sau khi ban hành. Do điều 60 quy định lao động không được hưởng BHXH 1 lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Quy định này khiến nhiều công nhân phía nam phản ứng, ngừng việc tập thể để phản đối.
Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng để lao động tự chọn hưởng BHXH 1 lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h