Ngày 13.8, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết 7 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 189.791/300.000 lượt người lao động (đạt 63% kế hoạch). Trong đó tạo gần 85.000 chỗ việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,12%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,18%.
Tuy nhiên, TP.HCM đã tiếp nhận và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 77.468/82.589 trường hợp, 562 quyết định hỗ trợ đào tạo nghề. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 5.066 trường hợp làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và giảm 432 trường hợp muốn được đào tạo nghề để trở lại thị trường lao động.
Qua số liệu này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá tình hình lao động tuy có dấu hiệu từng bước đang phục hồi nhưng còn chậm. Doanh nghiệp và người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, TP.HCM tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế của 25 doanh nghiệp, với số lao động mất việc là 1.148 người.
Số liệu này chưa bao gồm số lượng người lao động bị mất việc theo cơ chế thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động như trường hợp hơn 8.000 người lao động bị cắt giảm ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam vì sụt giảm đơn hàng xuất khẩu; hay 342 người lao động Công ty dệt kim Đông Minh mất việc vì doanh nghiệp này giải thể…
So với cùng kỳ năm 2022, TP.HCM ghi nhận tăng 16 doanh nghiệp với số lao động mất việc tăng 1.065 người.
Phía Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng ghi nhận tình hình dư luận trong công nhân lao động trong 7 tháng đầu năm nay. Theo đó, trong bối cảnh dự thảo sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, công nhân lao động mong muốn chính sách BHXH mang tính ổn định lâu dài; đồng thời kỳ vọng vào các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đặc biệt là các nội dung về việc làm, hỗ trợ vốn, đầu tư phát triển các khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho công nhân lao động.
5 hạn chế của thị trường lao động Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, thị trường lao động tại Việt Nam đối diện với các hạn chế sau:
Thứ nhất, thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thấp. Trong khi đó, số lượng lao động ở khu vực phi chính thức (làm việc tự do) ngày càng lớn, một trong số đó có nguyên do chủ yếu từ việc doanh nghiệp công nghiệp cắt giảm lao động.
Thứ hai, việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng từ cuối năm 2022 kéo dài đến nay làm hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm.
Thứ ba, lao động có việc làm tăng nhưng tỷ lệ thiếu việc làm quý 2/2023 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Trong đó, người lao động ở vùng Đông Nam bộ chịu tác động nặng nề nhất.
Thứ tư, tốc độ tăng thu nhập của người lao động giảm.
Thứ năm, số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2023 tăng.
Hoãn chốt thời điểm tăng lương tối thiểu
Vừa qua, thông tin họp bàn tăng tăng lương tối thiểu năm 2024 của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 9.8 nhận được nhiều quan tâm của người lao động.
Tuy nhiên, phiên họp này không có kết quả cuối cùng. Dự kiến, phiên họp tiếp theo được lùi lại vào cuối năm 2023 để chốt lại phương án và thời điểm tăng lương trong năm 2024.
Tại phiên họp này, quan điểm của nhiều bên cho rằng cần phải tăng lương vì đời sống của người lao động hiện nay rất khó khăn.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là từ 5 – 6%.
Hiện nay, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h