Tỷ lệ giải quyết việc làm tăng, nhưng số hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng
Ngày 29.9, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho 242.812 lượt người (đạt 80,7% kế hoạch), trong đó, số chỗ việc làm mới là 107.368 (đạt 76,69% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,24%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,3%.
Tuy nhiên, số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng. Cụ thể, TP.HCM đã tiếp nhận 166.266 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 112.067 người lao động. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 10.323 người, tỷ lệ tăng 9,74%.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP.HCM tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 40 doanh nghiệp với số lao động mất việc là 3.730 người (tăng 23 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022, số lao động mất việc tăng 3.580 người).
Con số này chưa bao gồm người lao động mất việc theo hình thức thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động như trường hợp ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam giảm hơn 9.000 lao động trong các đợt vừa qua, hoặc mất việc vì doanh nghiệp phá sản, giải thể.
Thị trường lao động TP.HCM sẽ “ấm dần”
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nhận định quý 3/2023, thị trường lao động TP.HCM có nhiều biến động, dù còn thách thức nhưng có nhiều tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng mới, nhu cầu tuyển dụng có nhiều khởi sắc.
Những tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là doanh nghiệp thâm dụng lao động.
Tuy nhiên, kinh tế – xã hội TP.HCM đã đạt một số kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Mặt khác, hoạt động đầu tư công, xuất khẩu được đẩy mạnh, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, tết nên cũng sẽ góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên.
Với thị trường lao động – việc làm ngày càng năng động và cạnh tranh quyết liệt, nhu cầu nhân lực tập trung vào lao động có trình độ, kỹ năng. Thế nên, để bắt nhịp tốt và gia tăng lợi thế cạnh tranh, người lao động cần đa dạng hóa kỹ năng bản thân, tích cực chủ động nâng cao kiến thức, trình độ, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt trong thời gian bị giãn việc, hoãn việc cần chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề để chuyển hướng tìm việc ở những ngành nghề phù hợp.
Trong quý 3/2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện khảo sát chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động tại 9.755 doanh nghiệp với 233.438 lao động đang làm việc thì có 1.242 doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong năm 2023, chiếm 12,73% tổng doanh nghiệp khảo sát.
Các doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động tập trung ở các ngành bán buôn; xây dựng nhà các loại; hoạt động kinh doanh bất động sản; bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải…
Về hình thức cắt giảm lao động, có 801 doanh nghiệp (chiếm 61,85%) cho biết sẽ giảm giờ làm việc, cho người lao động nghỉ luân phiên; 121 doanh nghiệp (chiếm 9,34%) sẽ tạm thời cho người lao động nghỉ việc và có hỗ trợ một phần tiền lương; 122 doanh nghiệp (9,42%) tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương và có 251 doanh nghiệp lựa chọn hình thức cho lao động thôi việc (chiếm 19,38%).
Trong trường hợp nếu doanh nghiệp cho lao động thôi việc, có 33 doanh nghiệp (chiếm 13,15%) trả lời sẽ có chính sách hỗ trợ cho người lao động dưới hình thức hỗ trợ chi phí mất việc và có 4 doanh nghiệp (chiếm 1,59%) sẽ cân đối hỗ trợ cho người lao động tùy theo khả năng.
Tuy nhiên, có 214 doanh nghiệp không có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi cho lao động thôi việc, chiếm 85,26%.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h