Những ngày này người dân xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang nhộn nhịp thu hoạch vụ rươi. Bà con vui mừng phấn khởi vì rươi được mùa được giá. Có đêm thu được 30-40kg rươi, bán giá 350-500 nghìn đồng/kg, bỏ túi hàng chục triệu đồng.
Ông Phạm Văn Xuyền (xóm 11, xã Khánh Công) chia sẻ, xưa kia vùng đất bãi ven sông Đáy của địa phương chỉ canh tác một vụ. Nhiều gia đình làm không hiệu quả còn bỏ hoang.
“Thấy diện tích đất ven sông bỏ phí, tôi tiếc lắm. Tôi luôn trăn trở, tại sao cũng đồng đất ven sông như thế mà ở Hải Dương, Hải Phòng người ta làm được rươi, thu hàng trăm triệu mỗi năm mà ở mình chỉ quanh quẩn mỗi năm một vụ lúa, vài con cá”, ông Xuyền nói.
Từ đó, ông Xuyền khăn gói đi học hỏi mô hình cải tạo bãi ven sông để nuôi rươi. Đến nay, ông đã có hơn 10 năm làm rươi và gặt hái được những thành quả. Kinh nghiệm ông rút ra, để có rươi thu hoạch, quan trọng nhất vẫn là giữ môi trường trong lành.
Nhiều hộ dân thống nhất quây ruộng lại thành một khu rộng lớn. Các hộ bảo nhau cùng làm, cấy một vụ lúa xuân, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Từ tháng 4-5 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa xong, nông hộ sẽ cải tạo đất, điều tiết nước thủy triều, đến mùa mới có rươi thu hoạch.
Ông Phạm Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 5ha đầm bãi, ven sông được bà con cải tạo khai thác rươi. Nhờ nghề này mà nhiều gia đình có thu nhập cao, trở nên khá giả ở địa phương.
Những người làm rươi ở Khánh Công chia sẻ, con rươi cho thu hoạch rải rác từ tháng 8-11 âm lịch. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch chính, rươi ra nhiều là 2 con nước, trong ngày 20/9 và ngày 5/10 (âm lịch). Vì thế dân gian mới có câu “tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm”.
Theo ông Xuyền, thời gian từ 1-2h cho tới sáng là lúc rươi chui từ dưới lòng đất lên bơi trên mặt nước. Đây cũng là thời điểm người dân chong đèn thu hoạch rươi cho đến hừng đông.
Để thu hoạch được rươi, khi thủy triều rút, người dân sẽ mở các cống cho nước rút, con rươi trôi theo dòng nước chảy. Tại các cống sẽ có túi lưới để thu rươi lại, mỗi mẻ chừng 15-20 phút, được 7-10kg là đổ ra, đưa về làm sạch.
Rươi sau khi vớt lên được rửa sạch sẽ, phân loại, đóng khay bán cho thương lái. Các công đoạn phải làm thủ công, tỉ mỉ, như vậy rươi mới không bị vỡ mủ. Để rươi bị vỡ thì phải bỏ đi.
Ông Xuyền khoe, với diện tích 2ha, mỗi năm gia đình ông thu được 1,5-2 tấn rươi, trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Năm nay mới đầu vụ mà ông đã thu được 4 lượt, hôm ít một tạ, hôm nhiều khoảng 2 tạ.
Vào chính vụ, con rươi to đều, màu đỏ hồng, căng mọng sữa, nhiều dinh dưỡng. Đây cũng là thời gian người dân thu hoạch rươi nhộn nhịp nhất trong năm. Thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua, rươi thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
Ông Phạm Văn Khoa (ở xóm 7, xã Khánh Công) chia sẻ, phải thức đêm thức hôm theo dõi rươi nổi, lại toàn vào những ngày trời trở gió, mưa lạnh. Việc thu hoạch, vì thế, khá vất vả. Tuy nhiên, thành quả là rươi bán được giá cao, nên người làm nghề cũng ấm lòng.
Mô hình dồn ruộng lúa, tạo ra những cánh đồng rươi ở Yên Khánh, Ninh Bình bước đầu đã thu được kết quả. Việc nhân rộng cách làm ra các địa phương khác trong tỉnh, nơi có diện tích đất ven sông cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Từ đó chính quyền địa phương mới có chính sách hỗ trợ phù hợp với người dân để phát triển kinh tế từ loại sản vật được mệnh danh là “của trời cho” này.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm