Những nhân sự chán ghét đến văn phòng!
Khi tìm kiếm công việc, tiêu chí đặt lên hàng đầu của Thuyên An (25 tuổi, biên tập viên tại TPHCM) là công ty không bắt buộc đến văn phòng.
Mỗi buổi sáng, cô gái trẻ mất 40 phút di chuyển trên đường, liên tục phải vượt qua các điểm kẹt để chạy đua với quy định “giờ vào ca”, trong khi đó công việc của cô hoàn toàn có thể giải quyết bằng phương thức làm việc từ xa như ở nhà hoặc ngoài quán cà phê.
“Không gian văn phòng còn gây sự gò bó, mất sức sáng tạo làm hiệu quả công việc của tôi không cao”, Thuyên An nói.
Tương tự, câu chuyện mất cả tiếng đồng hồ di chuyển 13km trên đường cũng khiến Phát Đạt (27 tuổi, nhân viên nội dung tại TPHCM) “ghét” đến văn phòng.
Đặc biệt, công sở đòi hỏi sự chỉnh chu về trang phục, tác phong khiến anh chàng mất thêm thời gian dậy sớm tắm rửa, lựa chọn quần áo và chuẩn bị cơm trưa mỗi ngày.
Mặc dù, công ty đã trang bị màn hình máy tính cỡ lớn, thiết bị hỗ trợ công việc vô cùng hiện đại, nhưng Minh Hiền (25 tuổi, nhân viên thiết kế tại TPHCM) vẫn không muốn đến văn phòng. Giờ giấc sinh hoạt linh hoạt, thường xuyên thức đêm nên bạn trẻ muốn được làm việc tại nhà nhiều hơn. Đồng thời, Minh Hiền luôn gặp cảm giác bị “theo dõi” tại công ty.
“Đồng nghiệp ngồi quanh hoặc đi ngang qua thường sẽ nhìn ngó, hỏi han và góp ý tạo cho tôi sự không thoải mái. Thậm chí tôi còn bị tâm lý nghĩ ai đó đang xem máy tính của mình, quan sát mình nên mất tập trung”, Hiền nói.
Sẵn sàng bỏ chấm công, chi tiền “mua” chỗ làm việc thoải mái
Sau sự thay đổi quy định của công ty vào năm 2022, Mai Hạnh (26 tuổi, biên tập viên tại Hà Nội) càng trở nên mệt mỏi.
Cô gái trẻ phải thức dậy lúc 7h để trực tin bài sản xuất cho một tờ báo. 9h30 công ty chấm công cũng là thời điểm trực tin cao điểm nhất khiến Mai Hạnh không còn đủ thời gian sửa soạn quần áo, nhanh chóng phải đến công ty nhằm kịp giờ.
Sau đó, Mai Hạnh quyết định bỏ chấm công mỗi ngày. Thậm chí, có tháng cô gái trẻ đã không chấm công suốt 14 ngày để thuận tiện hơn cho công việc. “Mình thà mất số tiền đó mà bản thân có tinh thần, còn hơn đến công ty đúng giờ mà không làm được gì”, Mai Hạnh nói.
Chỉ đến công ty để chấm vân tay, sau đó Hạ Uyên (30 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) di chuyển ra các quán cà phê ngồi làm việc.
Hạ Uyên cho biết, mỗi tháng cô mất hơn 1 triệu đồng tiền thức uống nhằm mua chỗ làm việc thoải mái trong quán cà phê. Thế nhưng, đổi lại không gian này cho cô sự hiệu quả và kiếm ra nhiều tiền hơn.
Xu hướng làm việc mới tại Việt Nam
Khảo sát mới nhất từ Glints – một hệ sinh thái nhân sự hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, cho biết, 69,5% gen Z thích làm việc theo hình thức hybrid (kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa).
Glints cũng nhận định rằng sự bùng nổ của gen Z và làn sóng lao động thế hệ này đã nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa xu thế làm việc từ xa.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội – Social Live) chia sẻ, dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp thay đổi phương thức đánh giá hiệu quả nhân viên. Nếu trước đây doanh nghiệp quan tâm đến nơi thường trực thì hiện nay đã bắt đầu tính toán thông qua hiệu suất KPI, mô hình tạo ra sản phẩm cuối nhiều hơn.
Bên cạnh đó, quản trị doanh nghiệp đang phát triển dựa trên nền tảng internet. Họ cũng chủ động thuê nhân sự ngoài, lao động tự do, thay vì tuyển dụng, từ đó tạo ra xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cuối.
Ngoài ra, các bạn trẻ, nhân viên văn phòng hiện nay quan niệm không gian văn phòng như một khuôn khổ, tạo cảm giác không thoải mái. Nếu được lựa chọn, nhân sự trẻ muốn làm việc ở các không gian như nhà, quán cà phê… bởi không gò bó trong tiêu chuẩn trang phục, giờ giấc quy định.
“Chính điều kiện xã hội này sẽ thúc đẩy sự thay đổi phương thức làm việc”, vị PGS.TS nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lộc cho biết, việc doanh nghiệp xem trọng hiệu quả làm việc sẽ tạo sự rủi ro hơn cho lao động nếu họ không tuân thủ quy định. Hiện tại, các doanh nghiệp lựa chọn hình thức outsourcing (thuê ngoài), tạo làn sóng cho các bạn trẻ làm freelancer (làm việc tự do), tăng thêm cơ hội giúp doanh nghiệp lựa chọn được những người có chuyên môn cao.
“Tôi nghĩ vấn đề mấu chốt là người lao động lựa chọn phương thức làm việc nào nhằm phù hợp với yêu cầu của thị trường, vì trong tương lai doanh nghiệp sẽ có vô vàn sự lựa chọn hơn nữa”, ông Lộc nói thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm