Chiều cuối tháng 11, xóm trọ của công nhân ở xã Hải Bối, cạnh khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, trời chưa tối hẳn nhưng phòng nào cũng sáng đèn. Cảnh sinh hoạt khác hẳn so với thông lệ cuối năm, khi nhà máy, công xưởng nào cũng bước vào đợt hàng tết, bận rộn nhất năm.
“Cả năm nay như vậy rồi. Công ty ít đơn hàng, công nhân không được tăng ca như trước nên về sớm, thậm chí nhiều người ở nhà cả ngày”, giọng bà Thanh, chủ khu trọ vọng từ trong nhà ra.
Cố gắng bám trụ
Rời quê lên Hà Nội khi vừa học hết cấp 3, đến nay chị Phạm Thị Thủy (quê Thanh Hóa) đã có 18 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long.
Từ đầu năm đến nay, công ty thiếu đơn hàng, công nhân như chị Thủy may mắn vẫn còn giữ được việc, dù gần như không được tăng ca. Chị khoe bản thân là công nhân “cứng” nên lương mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng, còn người mới vào chỉ 5 triệu.
“Cả năm nay gần như tôi chỉ làm giờ hành chính. Tháng vừa rồi công ty có đơn hàng, được làm thêm ngày thứ 7, thu nhập nhỉnh hơn một chút. Khó khăn thật nhưng nghĩ lại thấy mình vậy là vẫn may hơn nhiều công nhân khác vì còn có việc làm”, chị Thủy bộc bạch.
Thời gian trước dịch Covid-19, thu nhập của chị Thủy luôn duy trì trên 10 triệu đồng mỗi tháng, nhưng gần 2 năm nay mức lương chỉ còn cao hơn lương cơ bản đôi chút, khoảng 7-8 triệu. Để duy trì cuộc sống, chị chỉ có thể xoay xở bằng cách gói ghém chi tiêu.
“Con gái lớn lớp 10, con nhỏ vừa bước vào tiểu học. Mới đầu năm học vừa rồi, riêng các khoản đóng góp cho hai đứa đã gần 20 triệu đồng. Tiền trọ, điện, nước thêm hơn 2 triệu, vợ chồng tôi gom mãi mới đủ”, chị Thủy liệt kê các khoản chi tiêu.
Nữ công nhân chia sẻ, đồng lương giảm nhưng các khoản phải chi thì ngày một nhiều, tiết kiệm lắm cũng chỉ có thể bớt đi khoản ăn uống. Chị Thủy giải thích vậy khi được hỏi tính thử các khoản chi tiêu trong một ngày.
“Ngày nào biết ngày đó chứ không tính được đâu. Đến ngày có lương thì tiền về tài khoản chỉ được 1-2 ngày là trả hết tiền học, tiền nhà, điện nước… còn bao nhiêu ăn bấy nhiêu”, chị Thủy cười.
Căn phòng trọ nơi 4 người gia đình chị Thủy ở nhiều năm qua vỏn vẹn 12m2 nhưng đôi vợ chồng không chuyển chỗ ở vì chủ trọ tốt bụng, không tăng giá phòng, thi thoảng còn cho nợ, chậm trả.
Những ngày gần đây, nghe đồng nghiệp trong công ty kháo nhau về việc thưởng Tết, chị Thủy thầm mong năm nay công ty vẫn giữ nguyên tiền thưởng như năm ngoái để khi về quê vợ chồng chị có chút gửi biếu ông bà nội, ngoại sắm Tết.
“Năm ngoái, mỗi công nhân được thưởng Tết 1 tháng lương, công đoàn còn tặng quà Tết, bố trí chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê. Năm nay chưa nghe công ty thông báo có thưởng hay không, chúng tôi cũng thấp thỏm lắm”, chị Thủy bày tỏ.
Công ty bị giảm đơn hàng, thời gian này, anh Nguyễn Văn Du (30 tuổi, quê Tuyên Quang) gần như không có giờ làm thêm. Anh cho hay, 12 năm làm công nhân điện lạnh tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chưa khi nào thấy “rảnh” như năm nay.
Nhờ có tay nghề và thâm niên làm việc, thời điểm trước dịch Covid-19, tiền lương mỗi tháng của anh Du đều trên 10 triệu đồng. Năm nay, lương tháng chỉ khoảng hơn 8 triệu vì công ty không có đơn hàng nhiều.
“Trước nay, tôi vẫn được làm 12 tiếng/ngày nhưng năm nay ít việc hơn, tôi chỉ được làm ca 8 tiếng, cuối tuần không có tăng ca, làm thêm. Tháng này còn ít hàng hơn, phải nghỉ nhiều nên tiền lương chỉ có vậy. Đồng lương công nhân eo hẹp nên phải xoay xở đủ cách mới đủ trang trải, nuôi con”, anh Du tâm sự.
Sau một năm làm việc hết công suất, thưởng Tết luôn là khoản mọi người lao động đều quan tâm, mong chờ. Nhưng năm nay, anh Du nghĩ đơn giản, có thưởng Tết thì mừng, bằng không chỉ mong từ nay tới cuối năm có việc đều.
“Năm ngoái tôi nhận thưởng tết bằng 1 tháng lương. Ngoài ra, công ty phối hợp với tổ chức công đoàn tặng quà Tết và tổ chức xe về quê miễn phí, đỡ hẳn một khoản. Những chăm lo đời sống như vậy là lí do tôi gắn bó ở đây lâu như vậy”, anh nói.
Công ty anh là nằm trong số ít doanh nghiệp vẫn có đơn hàng đều đặn, đảm bảo mức lương và thu nhập trung bình cho công nhân. Hiểu tình hình khó khăn, tết này, anh Du chỉ hy vọng khoản thưởng tết giữ được như năm ngoái.
Nam công nhân dự tính: “Mọi năm, gia đình tôi về quê nghỉ tết từ 28 tháng Chạp, đến hết mùng 6 tháng Giêng. Nhưng năm nay, có lẽ chúng tôi sửa soạn về sớm hơn vì công ty ít việc. Nếu nhận được thưởng tết sớm, tôi sẽ sắm sửa ít đồ, tằn tiện thôi, còn lại sẽ để phòng lúc con cái ốm đau”.
Khó vẫn cố lo tết cho công nhân
Sắp qua một năm đặc biệt khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp lại thấy “đau đầu” khi nhắc đến khoản thưởng Tết này, dẫu vậy nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng trong khả năng để công nhân “có Tết”.
Bà Trần Thị Ân, Trưởng phòng Hành Chính – Nhân sự, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, tình hình kinh tế khó khăn chung dẫn tới đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng đáng kể. 9 tháng đầu năm 2023, công ty dù vẫn có đơn hàng, tuy nhiên lại thiếu nguồn vật tư phục vụ sản xuất do nguồn vật tư trong nước không đáp ứng đủ.
“Tháng 6 vừa qua công ty đã tính đến phương án cắt giảm khoảng 300 lao động, buộc phải cho công nhân nghỉ một số ngày trong tháng. Các doanh nghiệp khác gặp khó bởi không có đơn hàng còn Hyosung có đơn hàng nhưng công nhân không có việc do thiếu nguồn vật tư để sản xuất”, bà Ân nói.
Dù vậy, theo bà Ân, doanh nghiệp đã cố gắng xoay sở để không cắt giảm công nhân. Quý 3/2023 đến nay, tình hình sản xuất của doanh nghiệp này đã khởi sắc, công nhân không chỉ có việc làm mà còn được tăng ca, thu nhập được cải thiện.
“Mặc dù đã lên phương án cắt giảm nhưng ban lãnh đạo công ty cố gắng tìm kiếm nguồn vật tư từ nước ngoài để giữ công nhân lại. Khi gỡ được nút thắt này, công nhân đã có việc, tăng ca trở lại”, bà Ân cho hay.
Theo bà Ân, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty còn khó khăn nhưng theo kế hoạch, công ty vẫn cố gắng xoay sở mọi cách để công nhân có thưởng Tết. Trưởng phòng Hành Chính – Nhân sự, Công ty Hyosung tiết lộ, mức thưởng Tết năm 2024 được duy trì bằng với mức thưởng năm 2023, tương đương 1 tháng lương cơ bản.
“Tinh thần của công ty là dù có phải đi vay ngân hàng để thưởng Tết cho công nhân chúng tôi vẫn làm. Năm nay, công ty sẽ thông báo sớm việc thưởng Tết để động viên người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với Công đoàn thực hiện chăm lo Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết”, bà Ân cho biết.
Còn ông Mikinao Tanaka – Giám đốc cấp cao – Ban hành chính – Công ty TNHH Canon Việt Nam cho hay, trong năm vừa qua, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, Canon cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này.
“Đơn hàng của chúng tôi bị giảm sút, doanh thu sụt giảm, công nhân phải giảm bớt giờ làm. Giá điện, nước, xăng dầu tăng dẫn đến các chi phí cho sản xuất, vận hành tăng lên đáng kể.
Trước tình hình khó khăn như vậy, doanh nghiệp đã rất nỗ lực, đưa ra nhiều pháp để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động như cải tiến chất lượng, cải tiến sản xuất; cắt giảm tối đa các chi phí sản xuất; tranh thủ thời gian công nhân bị giảm giờ làm để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực”, Giám đốc Canon Việt Nam nói.
Ông Mikinao Tanaka cho biết thêm, năm nay kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì các chế độ lương, thưởng dịp Tết cho hơn 18.000 công nhân như các năm trước đây.
“Không chỉ trong năm nay mà tại các thời điểm khó khăn trước đây, điển hình như giai đoạn 2021-2022 là năm cả thế giới đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp giảm sản xuất, doanh thu giảm nhưng Canon vẫn đảm bảo lương, thưởng, giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động.
Dù gặp khó khăn nhưng năm nay công nhân của chúng tôi vẫn có thưởng Tết. Dự kiến mức thưởng vẫn như các năm trước và có tính trượt giá cho người lao động để hỗ trợ người lao động bớt khó khăn”, đại diện Canon Việt Nam nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm