60% người lao động mong muốn tăng lương
Theo khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn thực hiện tháng 11 vừa qua với 3.100 người thuộc các ngành nghề, loại hình sở hữu, quy mô lao động tại 10 tỉnh, thành phố, có 21,4% người lao động cho biết mức lương tối thiểu hiện nay và của những năm trước là không có ý nghĩa gì so với tốc độ trượt giá; 26,8% cho rằng mức lương tối thiểu là quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động và 10,1% cho rằng mức lương như hiện nay không tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu.
Còn theo khảo sát do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam thực hiện hồi tháng 7, tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình người lao động; 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, trong đó thấp nhất chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu; 52,3% người lao động phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Đáng chú ý, vẫn có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ và 12,3% người lao động từng rút bảo hiểm xã hội một lần để bù đắp chi tiêu và trang trải các chi phí phát sinh trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gần 60% người lao động tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn tăng lương.
Trao đổi với báo chí trước phiên họp sáng nay 20.12, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn trong những năm qua, đặc biệt dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống người lao động. Mức lương thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng như chi phí giáo dục tăng. Trong khi đó, tình hình kinh tế cuối năm có nhiều khởi sắc, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng nhiều.
Yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động
Đề xuất tăng từ 6,5 – 7,3%
Đại diện cho người lao động hy vọng các bên sẽ có tiếng nói chung để thống nhất lương tối thiểu vùng đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là trong bối cảnh lương của khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng 2024.
Theo đó, phương án 1: tăng 7,3 % (tăng từ 250.000 đồng – 320.000 đồng).
Phương án 2: tăng gần 6,5% (tăng từ 220.000 đồng – 290.000 đồng).
Lý giải thêm về việc đưa đề xuất trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng khoảng 6,5 – 7,3% trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế – xã hội nhiều mặt. Chúng tôi không đặt mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1.1.2024 vì những thủ tục pháp lý. Việc lùi một khoảng thời gian đó là yếu tố cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động”.
Về thời điểm thực hiện, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2024 đảm bảo đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… theo Nghị quyết số 27.
VCCI đồng ý tăng lương
Mặc dù trong phiên họp thứ nhất Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào tháng 8, về phía đại diện giới chủ sử dụng lao động, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiến nghị xem xét chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, thì tại cuộc họp này, VCCI cho rằng cần điều chỉnh lương tối thiểu vùng tuy nhiên mức tăng thế nào cần thương lượng, đàm phán, hài hòa các bên.
“Đành rằng cần điều chỉnh lương tối thiểu trong thời gian tới, bởi khu vực công sẽ điều chỉnh nên khu vực doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh. Tuy nhiên, thị trường khó khăn cả trong nước và quốc tế, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đơn hàng của doanh nghiệp giảm. Mặc dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp không thể không điều chỉnh, tôi hy vọng trong phiên họp hôm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ thống nhất một con số cụ thể trên cơ sở cân đối chỉ số giá tiêu dùng, năng lực sản xuất, chi trả và nhiều điều kiện khác”, ông Phòng nói.
ILO khuyến nghị điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát
Trước phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã gửi Báo cáo Tổng thuật về lương tối thiểu khu vực ASEAN trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao tới Bộ LĐ-TB-XH.
Báo cáo nêu rõ, lương tối thiểu danh nghĩa do Chính phủ quy định, còn lương thực tế có tính đến tác động của lạm phát và sức mua. Giai đoạn 2015 – 2022, Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12.2015 lên 168 USD vào tháng 12.2022. Lần gần nhất điều chỉnh ngày 1.7.2022 với mức trung bình 6% sau 2 năm rưỡi trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
Song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều. ILO thống kê thời kỳ 2015 – 2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% nhưng lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 – 2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.
ILO khuyến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của việc tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình để thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều chỉnh lương cũng cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h