Ngày 12/1, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có buổi tiếp và làm việc với ông Shigeyuki Okamoto, Tổng Giám đốc Canon Việt Nam.
Nội dung làm việc tập trung vào tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống của công nhân Canon Việt Nam và các giải pháp nhằm phục hồi sản xuất trong thời gian tới.
2 đợt thưởng mỗi năm
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và biểu dương Canon đã nỗ lực trong một năm 2023 đầy biến động, nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, công ty tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Về phía công ty, ông Shigeyuki Okamoto gửi lời cảm ơn Bộ LĐ-TB&XH và cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tạo điều kiện giúp đỡ Canon trong quá trình doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Ông Shigeyuki Okamoto cho biết, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm nhưng Canon vẫn ưu tiên đảm bảo số lượng cán bộ, công nhân viên ổn định, giữ được việc làm cho hơn 18.000 người lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn chú ý chăm lo các chế độ phúc lợi, đảm bảo thu nhập ổn định cho công nhân, người lao động.
“Mức lương bình quân hiện nay của công nhân, người lao động làm việc tại công ty là 8 triệu đồng/tháng, khi có tăng ca thì thu nhập dao động 9-10 triệu đồng/tháng.
Năm nay, công ty vẫn duy trì chế độ lương, thưởng Tết như năm ngoái. Mỗi năm, công ty luôn duy trì 2 đợt thưởng cho cán bộ, công nhân viên, thưởng hè tương đương 1 tháng lương và thưởng Tết trung bình 2 tháng lương, tương đương 16 triệu/người”, đại diện Canon cho biết.
Ông Shigeyuki Okamoto cho biết thêm, lực lượng lao động nữ của Canon chiếm tới 65%. Do đó, ngoài chế độ lương, thưởng, doanh nghiệp chủ động điều phối để công nhân nữ ít phải làm thêm giờ, ưu tiên để chị em cân bằng cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, lao động nữ mang thai được nghỉ chế độ thêm 1 tháng, được trợ cấp tiền nuôi con, có xe đưa đón tận nhà…
“Đối với lao động nữ mang thai, công ty có chính sách chuyển đổi công việc để chị em làm những việc nhẹ nhàng hơn, không phải đứng làm. Người nuôi con nhỏ được về sớm trước 1 tiếng mỗi ngày”, đại diện Canon cho hay.
“Chỉ người lao động bỏ công ty, doanh nghiệp không bỏ người lao động”
Vui mừng về những thông tin đại diện doanh nghiệp báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ý nghĩa kết quả đạt được trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp vẫn có sự phát triển, doanh thu tăng hơn năm cũ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tốt đẹp hơn, dần đi vào chiều sâu, tương xứng với mức độ đối tác toàn diện.
Hiện có khoảng 520.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, số lao động Việt Nam làm việc tại Nhật là 350.000 người, đứng đầu trong 15 quốc gia có lao động làm việc tại đây.
Riêng năm 2023 Việt Nam đã đưa 84.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.
Nhận định về hoạt động của Canon, Bộ trưởng cho rằng, điều đáng mừng hơn cả là bên cạnh việc khôi phục sản xuất, Canon Việt Nam đã duy trì việc làm, chăm lo đời sống, đảm bảo lương và thưởng Tết cho người lao động.
Bộ trưởng nhận định, kết quả cho thấy Canon Việt Nam đã thực sự quan tâm chăm sóc người lao động, để người lao động coi nơi làm việc như là nhà.
“Thời gian qua, doanh nghiệp đã làm tốt 2 việc là tạo dựng uy tín, thương hiệu doanh nghiệp và chăm lo, giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Chỉ có người lao động bỏ công ty chứ doanh nghiệp không bỏ người lao động, đây là điều rất đáng mừng”, Bộ trưởng ghi nhận.
Thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn, bên cạnh việc tạo dựng uy tín, thương hiệu, doanh nghiệp chú trọng hơn nữa việc chăm lo chế độ đãi ngộ đối với người lao động.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị doanh nghiệp quan tâm hơn tới công tác đào tạo nguồn nhân lực, sao để người lao động yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với công ty.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm