Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa, qua rà soát, 16 huyện không đăng ký mở rộng diện tích năm 2024. Cụ thể: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung, Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Mường Lát.
Không dừng lại ở đó, nhiều hộ dân ở huyện Lang Chánh còn ồ ạt chặt bỏ loại cây từng được mệnh danh là “cây làm giàu” ở Thanh Hóa.
Theo ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lang Chánh, việc vận động người dân trồng cây gai xanh bây giờ rất khó. Hiện nay địa phương chỉ còn hơn 4ha cây gai xanh, người dân đã không còn mặn mà với việc trồng loại cây này nên cứ “nói đến cây gai ai cũng lắc đầu”.
Trong văn bản đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu cây gai xanh của Sở NN&PTNT nêu rõ: “Niềm tin của người trồng gai đối với công ty còn hoài nghi, việc phát triển cây gai nguyên liệu trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn khi chính sách hỗ trợ phát triển cây gai nguyên liệu của tỉnh đã hết. Năm 2024 Sở NN&PTNT không đề xuất giao chỉ tiêu phát triển diện tích gai xanh”.
Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh này cho phép các địa phương trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu cây gai mà không thuộc đề án phát triển vùng nguyên liệu được trồng gai.
Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Lang Chánh lại cho hay: “Sở NN&PTNT có văn bản đề nghị UBND huyện đánh giá, rà soát lại thực trạng cây gai xanh, huyện mạnh dạn đăng ký 10ha để làm dần dần, sau này phát triển thêm thì càng tốt. Không ngờ đến hôm họp mới biết có một mình huyện Lang Chánh đăng ký”, ông Tiến nói.
Năm 2018 tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện. Mục tiêu đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.
Năm 2021, thêm 6 huyện tham gia đề án. Mô hình được kỳ vọng sẽ hình thành một chuỗi giá trị khép kín giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp. Cụ thể hóa chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây năng suất, cho thu nhập cao.
Mục tiêu là vậy nhưng đến nay, tổng diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh này mới hơn 930ha tại 18 huyện.
Một thời gian, người trồng gai bị nợ tiền, sản phẩm làm ra chậm được thu mua khiến người dân mất niềm tin với “cây làm giàu”.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có hơn 200ha cây gai xanh bị người dân phá bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trước đó báo Dân trí đã có bài phản ánh về việc nhiều hộ dân tại huyện Lang Chánh tham gia đề án trồng cây gai xanh nhưng không hiệu quả khiến người trồng vỡ mộng với “cây làm giàu”.
Sau phản ánh của báo Dân trí, công ty đã thanh toán hết các khoản công nợ, đồng thời tiếp tục thu mua vỏ gai khô theo đúng hợp đồng liên kết với người trồng gai.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm