TÌM VIỆC LÀM

Việc làm
quản lý
Việc làm
chuyên môn
Lao động
phổ thông
Việc làm
bán thời gian
  • Trang chủ
  • Cẩm Nang Việc Làm
  • Phỏng vấn việc làm
  • Tư vấn nghề nghiệp
  • Việc làm tổng hợp
  • Diễn đàn

Nghề nhặt bóng cho người giàu lương tháng 30 triệu đồng: “Chịu trận” gạ gẫm

12th November 2023 by admin

Là caddy (nhân viên phục vụ trên sân golf) hơn 2 năm, C.H.Y.N. (22 tuổi, ngụ tạo TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, để đạt được mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng, cô gái phải đánh đổi cả sức khỏe lẫn tinh thần.

Nghề nhặt bóng cho người giàu lương tháng 30 triệu đồng: Chịu trận gạ gẫm - 1

Để có được thu nhập cao, các caddy phải có thể lực và sức chịu đựng tốt (Ảnh minh họa: Cộng đồng Golfer).

 Đánh đổi

Trước đây, Y.N. là nhân viên phục vụ tại nhà hàng trên địa bàn TPHCM. Vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, N. ứng tuyển làm caddy tại một sân golf gần nhà.

N. chia sẻ, thời gian làm việc tại sân golf tùy thuộc vào sự sắp xếp của công ty. Thông thường, caddy sẽ làm việc theo ca, các giờ vào ca dao động từ 5h đến 15h. Mỗi caddy thường phải làm việc 8-12 giờ/ngày.

Hằng ngày, caddy thường phải kéo theo bộ gậy chơi golf nặng đến 15kg, chạy theo người chơi dưới trời nắng gắt suốt nhiều giờ liên tục. Họ còn phụ trách chăm sóc, theo dõi, hướng dẫn khách trong 18 đường golf; chăm sóc dụng cụ chơi golf và đào hố cát, đánh dấu bóng golf,…

“Thời gian làm việc tùy thuộc vào mật độ khách trên sân. Nhiệm vụ hằng ngày của caddy là phục vụ 1 vị khách. Khi kết thúc 18 đường golf là caddy hoàn thành nhiệm vụ của mình”, Y.N. cho hay.

Nghề nhặt bóng cho người giàu lương tháng 30 triệu đồng: Chịu trận gạ gẫm - 2

Thái độ là một phần quan trọng, quyết định mức thu nhập của caddy (Ảnh minh họa: Golf Fami).

Thời gian đầu mới vào nghề, N. gặp không ít khó khăn trong việc tính khoảng cách từ vị trí banh đến cờ nên phải loay hoay tìm gậy đánh đúng tầm cho khách. Dần dà, cô gái cũng có kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng sau 2 năm, N. nhận ra sức khỏe bị tổn hại không ít.

“Các sân golf đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Về lâu dài, việc chạm hay hít phải hóa chất gây ra không ít những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Công việc này còn thường xuyên phải làm dưới trời nắng gắt nên cũng gây hại cho da và mắt”, N. trải lòng.

Cô gái 22 tuổi không thể quên được cảnh dầm mưa, nắng liên tục trong thời gian dài. Vì thế, trong một trận golf quan trọng, N. đột ngột sốt cao, tới 39 độ C.

“Khi đó, thấy chỉ còn 4 đường golf nữa là hoàn thành, tôi cố cắn răng chịu đựng. Sau một thời gian, tôi cũng dần làm quen với cường độ làm việc hơn, không ốm vặt nữa”, cô gái 22 tuổi nói.

Theo N., cường độ công việc cao đến đâu cũng không áp lực bằng việc “chịu trận” trước thái độ và hành vi của khách. Làm công việc này, N. có cơ hội tiếp xúc với những người có học vị cao, thành đạt và giàu có. Ngoài những vị khách lịch thiệp, hòa nhã, cô gái cũng phải đối mặt với những người cộc cằn, thô lỗ, thậm chí miệt thị và xem thường mình.

N. nhiều lần thở phào khi khách đánh thắng hay chỉ đơn thuần là đánh vào lỗ. Bởi nếu ngược lại, cô gái có thể sẽ trở thành “chiếc sọt” để người chơi trút giận dữ.

Ngoài ra, những caddy trẻ tuổi, có ngoại hình như N. rất dễ bị rơi vào tình huống bị gạ gẫm, quấy rối tình dục.

“Từng có khách đánh golf xong ngỏ ý cho tiền và yêu cầu tôi đi cùng ông ấy. Dù tôi cố gắng từ chối nhưng người này liên tục đụng vào chỗ nhạy cảm. Chỉ khi tôi cầu cứu quản lý, vị khách mới chịu dừng lại. Đó cũng là một trong những điều tế nhị trong nghề mà tôi khó chia sẻ với người khác”, N. nói.

Nghề lương cao, ít người làm

Theo Y.N., 30 triệu đồng là mức thu nhập tháng cao nhất mà cô từng nhận trong 2 năm làm việc. Trong đó, số tiền này đã bao gồm lương cứng và tiền tip (thưởng) của khách hàng.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi chính là khoảnh khắc được vị khách nước ngoài tip 5 triệu đồng. Đó là số tiền cao nhất tôi kiếm được trong một ngày kể từ khi bắt đầu đi làm”, N. bộc bạch.

caddy_Sân golf Laguna Lăng Cô-edited.jpeg

Được biết, tiền tip đôi khi có thể cao hơn mức lương cứng của các caddy (Ảnh minh họa: Sân golf Laguna Lăng Cô).

Cô gái chia sẻ, đây là công việc mang tính đặc thù nên sự gắn bó của nhân sự còn tùy vào tính cách, độ tuổi và định hướng của mỗi người. Tại công ty nơi N. làm việc, có người đã theo nghề hơn 20 năm nhưng cũng có một vài nhân sự chỉ ở lại vài tháng.

Để trở thành một caddy, N. cho hay, ứng viên phải có bằng tốt nghiệp phổ thông, nếu có thêm chứng chỉ ngoại ngữ thì là một lợi thế. Trong đó, những ứng viên thử việc sẽ được huấn luyện bài bản trong 2 tháng. Sau đó, nếu nhân sự có thể lực, tầm nhìn tốt và nhanh nhẹn sẽ được giữ lại làm nhân viên chính thức.

Ông Nguyễn Thế Anh, quản lý tại một sân golf ở phía Nam cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện tại là chất lượng caddy tại các sân golf. Nhiều người coi đây chỉ là công việc làm thêm nên chưa thật sự đầu tư về chuyên môn, kỹ năng.

Đội ngũ phục vụ tại sân golf cũng thường nhận về nhiều lời phàn nàn như không tập trung vào công việc, không am hiểu về lĩnh vực, không hỗ trợ được người chơi… Thiếu kỹ năng, kiến thức, nhiều người làm công việc này đơn thuần chỉ là người phục vụ.

Caddy làm việc không hiệu quả nên đã không ít lần xảy ra sự việc ầm ĩ khi golfer (người chơi golf) phản ứng với caddy, trả người, yêu cầu sân golf đào tạo lại nhân viên,…

Mặt khác, theo ông Anh, các doanh nghiệp cần phải tham gia vào quá trình đào tạo nhân viên làm việc ở sân golf cũng như có những chính sách, quy định bảo vệ họ.

Nghề nhặt bóng cho người giàu lương tháng 30 triệu đồng: Chịu trận gạ gẫm - 4

Đối tượng khách hàng tại các sân golf đa phần là người có điều kiện, địa vị cao, đòi hỏi các nhân viên phải chỉn chu về ngoại hình cũng như chuyên môn (Ảnh minh họa: Sân golf Laguna Lăng Cô).

“Nhu cầu nhân lực phục vụ sân golf rất lớn, đòi hỏi nhân viên phải được đào tạo bài bản. Nếu để trống mảng đào tạo nghề này, có thể rồi đây Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” caddy”, ông Thế Anh nhận định.

Số lượng sân golf tại Việt Nam đang ngày càng tăng, là một ngành có xu hướng phát triển mạnh. Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 80 sân golf đi vào hoạt động, chưa kể các sân đang hoàn thiện với hàng chục ngàn người trong và ngoài nước thường xuyên chơi.

Nhưng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành golf hiện tại và trong tương lai của Việt Nam đang bị đuối. Số ít trường đại học, cao đẳng đưa golf vào đào tạo nhưng có trường phải sớm đóng ngành vì không tuyển được sinh viên. Hầu hết các sân golf hiện nay vẫn phải tự xoay xở kiếm nhân lực từ các ngành tay trái.

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: “lương, BÓNG, chịu, động, gạ, gẫm, giàu, nghề, người, NHẶT, Thắng, trăn, Triệu

Cây làm giàu khiến nông dân như “ngồi trên đống lửa”

6th November 2023 by admin

Người trồng gai xanh như “ngồi trên đống lửa”

10 tấn vỏ sợi gai xanh chưa bán được khiến bà Phạm Thị Thanh, thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy như “ngồi trên đống lửa”.

Năm 2020, gia đình bà Thanh ký hợp đồng hợp tác sản xuất và tiêu thụ vỏ khô cây gai xanh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm vỏ khô cây gai xanh của gia đình bà trong vòng 10 năm.

Cây làm giàu khiến nông dân như “ngồi trên đống lửa” (Video: Hạnh Linh).

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 1

Bà Phạm Thị Thanh trao đổi với tác giả bên đống vỏ khô cây gai xanh bị ùn ứ (Ảnh: Hạnh Linh).

Giá vỏ khô cây gai xanh được chia thành 3 loại, loại 1 là 47.000 đồng/kg, loại 2 là 42.000 đồng/kg và 35.000 đồng/kg đối với loại 3.

Theo bà Thanh, sau khi được chính quyền địa phương vận động, nhận thấy cây gai xanh có nhiều ưu điểm, giá trị kinh tế cao, gia đình đã chuyển đổi 19ha mía sang trồng loại cây công nghiệp này. Cây phát triển, sinh trưởng tốt, gia đình thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 4 lao động.

Bà Thanh không nghĩ ở thời điểm hiện tại “cây làm giàu” lại trở thành nỗi lo với bà con. Trong kho của gia đình bà Thanh đang chất đống khoảng 10 tấn vỏ khô, ngoài ra còn 9ha gai xanh chưa thu hoạch.

“Giờ bà con không biết nên tiếp tục giữ hay phá bỏ. Tỉnh phải có trách nhiệm với đề án, có trách nhiệm với người dân”, bà Thanh cho biết.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 2

Bà Thanh lo lắng khi 10 tấn hàng chưa bán được (Ảnh: Hạnh Linh).

Cạnh nhà bà Thanh, bà Thang Thị Nguyệt cũng “đứng ngồi không yên” bởi hơn 4 tấn vỏ khô cây gai xanh của gia đình chưa thể xuất bán.

Theo bà Nguyệt, vì đã hợp đồng với công ty nên bà không dám bán sản phẩm ra ngoài. Cây gai xanh không giống như những sản phẩm khác, nếu doanh nghiệp không thu mua, người sản xuất chỉ có nước đốt bỏ.

“Công ty không mua hàng nên khoảng gần 2 tấn gai trên đồi của gia đình tôi cũng chưa dám thu hoạch. Trồng gai xanh tuy thu nhập cao nhưng vất vả, nhiều công đoạn. Giờ họ “mang con bỏ chợ”, người dân không biết kêu ai”, bà Nguyệt lo lắng.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, cho biết toàn xã có 94ha cây gai xanh. Đây là loại cây hợp thổ nhưỡng, cho năng suất, sản lượng cao. Cây gai xanh cũng cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác từ 20 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trước tình trạng thu mua như hiện nay thì số diện tích trên khó có thể giữ.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 3

Việc bảo quản gai xanh để giữ đúng độ ẩm là rất khó với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa (Ảnh: Hạnh Linh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cẩm Thủy, cho biết nhận được phản ánh của bà con về việc doanh nghiệp chậm trả tiền hàng và tạm dừng thu mua cây gai xanh, UBND huyện đã có văn bản gửi doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương đề nghị phía doanh nghiệp sắp xếp buổi làm việc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc với người dân.

Ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết, ngày 31/10, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đại diện UBND huyện Cẩm Thủy làm việc với đại diện doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, UBND huyện Cẩm Thủy đã đề nghị phía doanh nghiệp sớm chi trả tiền và thu mua sợi gai cho người dân. Đại diện doanh nghiệp nói sẽ trả dần cho bà con và cố gắng mua gai lại trong tháng 11.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 4

Việc phơi gai xanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết (Ảnh: Hạnh Linh).

Thực hiện theo đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, đến tháng 12/2022 huyện Cẩm Thủy đã mở rộng được hơn 400ha. Tuy nhiên, đến tháng 6, tổng diện tích cây gai xanh lưu gốc trên địa bàn huyện là 345ha, giảm 74ha.

Hạn chế mở rộng vùng nguyên liệu

Ngày 24/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 5

Bà Thanh mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân (Ảnh: Hạnh Linh).

Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định mở rộng phạm vi đề án thêm 6 huyện, gồm: Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh và Mường Lát.

Tuy nhiên, ngày 14/2, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có văn bản gửi UBND các huyện trồng gai xanh nguyên liệu, trong đó có nội dung hạn chế trồng mới cây gai xanh.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết, cuối năm 2022 diện tích cây gai xanh toàn tỉnh là 930ha, tại 18 huyện. Năm 2023 toàn tỉnh trồng mới được 12ha? Người dân chặt bỏ 161ha, số diện tích chặt bỏ chủ yếu là cây gai xanh mới trồng.

Theo ông Trung, giai đoạn 2018-2021, việc trồng cây gai xanh mang lại hiệu quả cao. Công tác thanh quyết toán của doanh nghiệp trong giai đoạn này đảm bảo.

Nửa cuối năm 2022, theo lý giải từ phía doanh nghiệp, ngành dệt may thế giới suy giảm; khủng hoảng kinh tế; đại dịch Covid-19 nên khả năng thu mua nguyên liệu không đảm bảo, công tác thanh khoản gặp khó khăn.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 6

Những chiếc máy tuốt vỏ gai, từng “kéo ra tiền” của gia đình bà Thanh được kéo về nhà (Ảnh: Hạnh Linh).

“Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT làm việc với các huyện, doanh nghiệp. Năm 2023, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có chỉ đạo, định hướng hạn chế mở rộng, không giao kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tập trung thâm canh diện tích gai đã trồng, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân”, ông Trung nói.

Về vấn đề chậm chi trả tiền cũng như không thu mua kịp thời sản phẩm gai xanh cho bà con, theo ông Trung, ngày 31/10, đại diện Sở NN&PTNT làm việc với huyện Cẩm Thủy và doanh nghiệp để giải quyết.

Như Dân trí đã phản ánh, tại huyện Lang Chánh, nhiều hộ dân trồng cây gai xanh với kỳ vọng thành cây thoát nghèo, giúp làm giàu. Tuy nhiên, sau 5 năm, nhiều hộ dân không còn mặn mà, thậm chí chặt bỏ loại cây này. Đề án phát triển cây gai xanh tại địa phương này gần như “phá sản”.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Lang Chánh, từ hàng chục ha cây gai xanh, đến nay, người dân phá bỏ, diện tích còn lại rất khiêm tốn.

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: cây, Dẫn, động, giàu, khiến, LÀM, lừa, ngồi, như, nông, trên

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về… “gai độc”

1st November 2023 by admin

Thu hoạch keo non để trồng gai xanh rồi… chặt bỏ

Nhắc đến cây gai xanh, ông Hà Đắc Liên, bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa lắc đầu, nói: “Bao nhiêu tiền của, công sức đổ dồn vào 1,3ha cây gai xanh, cuối cùng phải đốn hạ vì cây không lớn để thu vỏ mà lại ra hoa, cho quả. Gần 1 năm cây không cho thu hoạch lứa nào, lại còn mang thêm cục nợ”.

Theo ông Liên, sau khi được chính quyền xã vận động, đi tham quan mô hình, ông nghĩ cây gai xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho thu hoạch sớm, giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên đặt kỳ vọng lớn vào cây gai xanh.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về… “gai độc” (Video: Hạnh Linh).

Tháng 5/2022, gia đình ông Liên thu hoạch 1,3ha keo mới được 3 năm tuổi để trồng cây gai xanh. Dù được chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn, nhưng cây không lớn.

“Gia đình tôi chấp nhận thu hoạch keo non để cải tạo đất chuyển sang trồng cây gai xanh. Hơn 4 tháng sau khi trồng, cây gai xanh chỉ cao được 50cm, thân úa vàng, ra hoa, ra quả. Quá thất vọng, đầu năm 2023 tôi báo chính quyền rồi nhổ bỏ cây gai xanh, trồng mía. Cây gai xanh khiến tôi lỗ 70 triệu đồng”, ông Liên kể.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 1

Sau thời gian trồng gai xanh không hiệu quả, ông Hà Đắc Liên, tại bản Hắc, xã Trí Nang đã chuyển sang trồng mía (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang, toàn xã có gần 3ha cây gai xanh. Lúc mới trồng, cây phát triển tốt nhưng càng về sau, số cây trồng lụi dần, một số cây chết, cây còn sống thì phát triển chậm, chỉ cao chừng 50-60cm là ra hoa.

“Các vườn cây gai xanh trên địa bàn xã đều ra hoa, chính quyền xã báo cáo lên huyện”, ông Thu xác nhận.

Cũng theo ông Thu, việc kiểm tra chất đất đã được thực hiện, không phát hiện vấn đề gì. Các hộ trồng cũng chăm sóc, làm đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Vậy mà không hiểu vì sao cây còi cọc, không tốt.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 2

Vườn gai xanh của gia đình ông Lê Phi Dũng, ở bản En, xã Trí Nang phát triển không đều, nhiều cây ra hoa, kết trái (Ảnh: Hạnh Linh).

Vỡ mộng cây gai xanh

5 năm trước, ông Lê Văn Thắng, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh trồng gai xanh trên diện tích 5 sào. Sau nhiều lần không bán được thành phẩm, ông chán nản, phá cả vườn cây. Thậm chí ông đã đốt hết sợi gai khô.

Ông Thắng cho biết, năm 2018, có đơn vị thu mua cây gai xanh tươi chỉ tuốt lá với giá 1 triệu đồng/tấn. Đến năm 2019, chuyển sang hình thức mua sợi, gia đình ông đầu tư máy tuốt vỏ, thuê thêm nhân công thu hoạch, sơ chế cây gai xanh.

Tuy nhiên, khi ông chở hàng đi giao thì đơn vị thu mua nêu yêu cầu khắt khe, không nhập hàng. Yêu cầu cây gai xanh phải khô, không có biểu hiện mốc, mối mọt; màu sắc đạt là trắng xanh, xanh nhạt, vàng nhạt, vàng, vàng nâu; độ ẩm ở mức 14%… mới đạt yêu cầu…

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 3

Cây gai xanh được trồng để lấy vỏ nhưng cây lại dồn sức ra hoa, kết quả khiến người nông dân thất vọng (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Thắng cho rằng, bằng kinh nghiệm sản xuất, người dân chỉ có thể sờ để cảm nhận vỏ gai không còn nhớt, sợi khô cứng; nhìn thấy màu vàng hoặc vàng nâu là đóng túi bảo quản, chở đi bán.

“Năm 2021, một thời gian công ty chậm thu mua hàng. Mỗi lần hàng chở sang đều bị chê, trả lại do không đạt độ ẩm. Chán nản, cực chẳng đã tôi đốt bỏ hơn 5 tạ sợi gai tồn dư, sau đó đốn hạ cả vườn”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, việc trồng và thu hoạch cây gai xanh theo ông Thắng tốn công, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Việc thu hoạch đại trà tập trung trong một thời gian ngắn nên phải thuê cùng lúc nhiều nhân công. Sợi gai phơi được nắng mới đẹp, mà chỉ cần gặp một cơn mưa là bị thối hỏng, phải bỏ đi.

Ông Lê Văn Phúc, công chức Địa chính – Nông nghiệp xã Tân Phúc, cho biết ban đầu người dân rất hào hứng, chuyển đổi cây trồng, có thời điểm toàn xã trồng hơn 10ha cây gai xanh. Tuy nhiên sau thời gian, cơ chế thu mua thay đổi khiến người dân không còn mặn mà, quyết định phá bỏ vườn gai xanh.

Đề án không hiệu quả?

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: “Từ hơn 100ha cây gai xanh năm 2019, đến nay trên địa bàn huyện còn 1ha. 1ha này người dân cũng đang có ý định phá nốt”.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 4

Ông Dũng trao đổi về dự định phá bỏ vườn gai xanh 2 sào chưa cho thu hoạch lứa nào (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Tùng, năm 2018 khi thực hiện đề án phát triển vùng nguyên cây liệu cây gai xanh, huyện Lang Chánh có định hướng phát triển diện tích trồng lên đến 500ha. Huyện vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.

Đến năm 2019, Lang Chánh có hơn 100ha cây gai xanh, tập trung nhiều ở các xã Đồng Lương, Tân Phúc.

“Xuất phát điểm, công ty mua cây tươi, sau lại chuyển sang hình thức mua sợi. Bà con phải tự tước vỏ cây ra phơi khô sợi, phải đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công, rồi vận chuyển sản phẩm sang nhà máy để giao hàng, quá nhiều công đoạn”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết, người dân vận chuyển sản phẩm nhập cho doanh nghiệp nhưng lại bị áp tiêu chuẩn độ ẩm, gây khó cho bà con. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, ở khu vực miền núi, độ ẩm lúc nào cũng cao, có thể cả lô hàng rất đảm bảo nhưng chỉ 1, 2 bó sợi chưa đạt yêu cầu, phía công ty cũng trả lại cả xe.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 5

Nhiều hộ dân ở xã Tân Phúc đã đốn hạ cây gai xanh, đổi sang cây trồng khác (Ảnh: Hạnh Linh).

“Hàng bị trả nhiều lần, người dân chở về nhà đốt, phá luôn cả vườn cây. Bên cạnh đó, công ty thu mua, thanh toán không ổn định. Năm 2022, có một thời gian họ ngừng thu mua, chậm thanh toán cho người dân, gây thất vọng lớn”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh nói.

Cũng theo ông Tùng, trước đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu. Nhà nước cũng hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh, rót tiền đầu tư máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy…

“Năm 2023, huyện Lang Chánh được UBND tỉnh cấp kinh phí 800 triệu đồng để mở rộng vùng nguyên liệu nhưng người dân đã mất lòng tin. Thực tế, vận động bà con rất khó, giờ không có ai dám mạo hiểm trồng gai xanh. Huyện đã dừng, bỏ cuộc, không thể thực hiện được đề án xây dựng hơn 5 năm trước”, ông Tùng thông tin thêm.

Gai xanh là cây công nghiệp đa tác dụng, nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp. Lá của cây gai xanh được dùng để làm gánh gai, làm thức ăn cho gia súc gia cầm, thủy cầm, nuôi trồng thủy sản. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ.

Ngày 24/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định 1484/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên cây liệu gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Phát triển vùng nguyên liệu gai xanh nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: cây, đốc, giàu, LÀM, mong, người, trong, vệ, Vỡ, xanh

Recent Posts

  • Công ty PouYuen Việt Nam sắp tuyển mới 1.000 lao động
  • Công đoàn xác định đột phá trong việc thương lượng lương, thưởng
  • Công ty trả thêm 4,1 triệu đồng cho nhân viên lên văn phòng ăn trưa
  • Thành lập 134 nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức
  • Đột phá về thương lượng tiền lương cho người lao động

Việc làm tốt nhất từ những nhà tuyển dụng hàng đầu

☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ

☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng

☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi

☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc

Tuyển dụng hiệu quả và nhanh chóng

☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng

☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại

☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng

☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn

  • NHÀ TUYỂN DỤNG
    • Cẩm nang tuyển dụng
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • NGƯỜI TÌM VIỆC (ỨNG VIÊN)
    • Cẩm nang tìm việc
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • THÔNG TIN CHUNG
    • Tin tức, sự kiện
    • Trợ giúp. hỏi đáp
    • Chính sách, quy định

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi

© Copyright 2023 · All Rights Reserved · Website Design By: WWW.TCTSHOP.VN