Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Huyện biên giới mỗi năm “hút” gần 500 tỷ đồng từ nước ngoài
Quế Phong, một huyện biên giới thuộc tỉnh Nghệ An, nơi dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong đời sống nhờ vào lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với công tác tuyên truyền và giải quyết việc làm hiệu quả, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên giàu có.
Ông Nguyễn Văn Thảo, trú tại xóm Phong Quang, xã Mường Nọc, chia sẻ: “Nhờ đi làm việc ở nước ngoài mới có nhà to đẹp thế này. Ở nhà làm ruộng thì ăn cũng không đủ, nói gì đến làm nhà mới, mua xe máy mới”.
Gia đình ông Thảo có hai con trai, anh Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Cường, đang làm việc ở Nhật Bản và gửi về đều đặn 40 triệu đồng mỗi tháng. “Con gửi tiền về có vốn nên vợ chồng tôi đầu tư làm trang trại, trồng mía, trồng keo và lúa”, ông Thảo cho biết.
Cách nhà ông Thảo không xa là nhà anh Nguyễn Thành Giang, cũng ở xóm Phong Quang. Anh Giang vừa từ Đài Loan (Trung Quốc) trở về và đang xây nhà.
Anh Giang chia sẻ: “Thấy trong bản có nhiều người đi nước ngoài làm ăn được nên nhà tôi cũng vay ngân hàng chính sách xã hội để đi. Sau khi làm việc ở Đài Loan một thời gian, vợ tôi cũng sang đó làm. Giờ nhà gần xong rồi, tôi dự tính sẽ đi Hàn Quốc làm việc tiếp”.
Ông Quang Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Mường Nọc, cho biết: “Toàn xã có 147 người đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. 6 tháng đầu năm 2024, xã có 17 người đã đi làm việc ở nước ngoài”.
Không chỉ xã Mường Nọc, ở huyện Quế Phong, hầu hết các xã đều có người đi làm việc ở nước ngoài. Gia đình chị Ngân Thị Thành ở bản Đô, xã Châu Kim, cũng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang nhờ tiền chồng gửi về từ Đài Loan.
“Trước đây làm ruộng nghèo lắm, không đủ tiền cho con ăn học. Giờ mỗi tháng anh gửi về đều đặn 25 triệu đồng, chúng tôi đã trả hết nợ và làm nhà mới”, chị Thành chia sẻ.
Bà Lô Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim, cho biết: “Xã có 83 người đang làm việc ở nước ngoài. Hàng tháng, họ gửi tiền về xây dựng gia đình rất tốt. Đi làm việc ở nước ngoài là con đường giảm nghèo nhanh và bền vững. Xã luôn tuyên truyền và vận động mạnh về việc này”.
Ông Lô Minh Điệp, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong, cho biết: “Toàn huyện có khoảng 1.700 người đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông.
Nguồn ngoại tệ gửi về rất ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Mỗi năm một lao động gửi về gia đình khoảng 250-300 triệu đồng, với 1.700 người, lượng tiền gửi về gần 500 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cải cách hành chính để người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuận lợi hơn”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Phiên chợ tiền tỷ ở huyện miền núi nghèo, tiền đếm bằng… bao tải
Đầu tháng 8, khi hay tin có lễ hội sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam, anh L.V.H.B. từ Thừa Thiên Huế đón xe vào tận nơi mua sâm về ngâm mật ong để bố mẹ dùng…
“Tôi mua sâm về tự làm, tự ngâm để bố mẹ uống cho yên tâm. Mua ngoài thị trường hên xui lắm”, anh B. chia sẻ.
Ông Phạm Hùng, chủ cơ sở trồng sâm Ngọc Linh, tại thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, đã có 5 năm “bám” chợ sâm. Phiên chợ tháng này anh cũng mang đôi ký sâm của vườn nhà và một số sản phẩm liên quan đến sâm như sâm ngâm mật ong, trà sâm, rượu sâm… tới bán.
Ông Hùng cho hay, mỗi phiên chợ chỉ diễn ra 3 ngày, bình quân ông bán được 500 triệu đồng/phiên. Như vậy, nếu tham gia đủ 12 phiên chợ trong năm, doanh thu có thể đạt 5-6 tỷ đồng.
Chị Hồ Thị Mười (41 tuổi, người Xê Đăng, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) là một trong những người trồng và mua bán sâm lâu nhất tại chợ. Từ năm 2015, chị đã khởi nghiệp với việc trồng và buôn bán sâm Ngọc Linh. Năm 2017, chị bắt đầu tham gia chợ phiên sâm Ngọc Linh, duy trì đều đặn đến nay.
Mỗi phiên chợ 3 ngày, chị Mười thường mang xuống 3-4kg để bán. Bà chủ người Xê Đăng cho biết, doanh thu mỗi phiên chợ đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt trên dưới 10 tỷ đồng.
“Doanh thu từ đầu năm đến nay của chúng tôi đạt 7 tỷ đồng”, chị Mười không tiết lộ số lãi từ doanh thu đó, vì theo chị buôn bán sâm cũng vô chừng, giá thu mua sâm tại mỗi vườn vốn đã cao.
Những bao tải… tiền ở chợ sâm
Phiên chợ sâm núi Ngọc Linh diễn ra từ ngày 1-3 hàng tháng là sáng kiến của chính quyền huyện Nam Trà My nhằm tạo cầu nối giữa những người trồng sâm và người tiêu dùng.
Tại mỗi kỳ chợ phiên có hàng chục gian hàng của các cá nhân, đơn vị có sâm trồng ở Ngọc Linh đưa đến giao dịch. Bên cạnh sâm, người dân đồng bào Xê Đăng còn đưa các mặt hàng nông sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ đến giới thiệu cho người dân và du khách gần xa.
Để kiểm soát đầu vào, đảm bảo 100% sâm đều là thật, huyện Nam Trà My tổ chức một tổ giám định kiểm tra ngay tại cửa. Từng củ sâm bán tại chợ này, tổ kiểm định khẳng định đều xem xét, cân đo trước khi đưa vào giao dịch.
Mỗi phiên chợ thu hút cả chục nghìn lượt người đến tham quan, giao dịch với tổng lượng sâm được trao đổi, mua bán lên đến cả chục tỷ đồng.
Nhiều người ở Hà Nội, TPHCM vác cả bao tiền đến để mua sâm. Cảnh trao đổi, mua bán và… đếm tiền ở chợ vui như hội.
Sâm có nhiều giá khác nhau, rẻ nhất cũng 30-40 triệu đồng 1 lạng. Gây chú ý nhất là những loại “sâm cụ”, được giao dịch với mức giá đến hàng trăm triệu đồng mỗi kg. Tính trung bình, giá tại chợ này dao động 70-90 triệu đồng/kg.
Lá sâm cũng được bán với giá trên dưới 10 triệu đồng mỗi kg nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để bán, vì mùa đông cây sâm rụng trụi lá. Những người trồng sâm cho biết, lá sâm nếu không cắt tỉa, để vào mùa rụng hết rất lãng phí.
Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết, từ ngày 1-3/8, huyện tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 năm 2024. Lễ hội đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động. Có hơn 50 gian hàng bày bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm OCOP đặc trưng miền núi.
Theo thống kê của ban tổ chức, doanh thu trong 3 ngày diễn ra lễ hội ước đạt hơn 7 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 70kg, thu về gần 6 tỷ đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Giàu nhờ “cây tỷ đô”, nông dân một huyện sắm hơn 1.000 ô tô
Ngày 18/7, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp báo Lễ hội sầu riêng lần 2 năm 2024 với chủ đề Sầu riêng Krông Pắk – Phát triển và Hội nhập.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết lễ hội năm nay có 12 chuỗi sự kiện, hoạt động và trọng tâm của lễ hội nhằm đề cao, tôn vinh vai trò người trồng sầu riêng.
Theo bà Trinh, trước đây, người nông dân đang quen tư duy cũ “đèn nhà ai nấy sáng” và chưa quan tâm đến kinh tế tập thể. Tuy nhiên, thời gian qua, người nông dân đã bắt đầu thay đổi tư duy, hiểu được giá trị của việc mua chung, bán chung khi liên kết trong hợp tác xã.
Qua đó, phát huy được giá trị của sầu riêng khi đưa ra thị trường và nông dân chú trọng đặc biệt đến chất lượng sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk dẫn chứng, giá sầu riêng liên tục tăng cao. Đến nay, đầu vụ thu hoạch, thương lái đã chào mua sầu riêng tại vườn lên tới 90.000 đồng/kg, mang đến nguồn thu rất lớn cho nông dân khiến bà con thực sự phấn khởi.
Với mức thu nhập cao từ trồng sầu riêng, trong năm 2022 nông dân huyện Krông Pắk đã sắm khoảng 400 chiếc ô tô, trong năm 2023 sắm trên 600 chiếc và số lượng mua ô tô sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.
Bà Ngô Thị Minh Trinh bày tỏ, huyện Krông Pắk khát vọng xây dựng địa phương trở thành “thủ phủ” sầu riêng của cả nước. Để thực hiện được điều đó, theo bà Trinh, địa phương cần phải xây dựng hệ sinh thái phát triển sầu riêng bền vững, với những người làm sầu riêng tử tế để phát triển thương hiệu các sản phẩm tươi lẫn chế biến sâu từ sầu riêng.
“Giá sầu riêng được nâng cao, khách hàng càng ngày càng khó tính nên nông dân, nhà quản lý phải thay đổi rất nhiều để hướng đến xuất khẩu, hội nhập quốc tế”, bà Trinh nhấn mạnh.
Lãnh đạo huyện Krông Pắk thông tin, trong lễ hội sầu riêng năm đầu tiên, huyện đã đón hơn 40.000 lượt khách đến tham dự. Rút kinh nghiệm lần tổ chức lễ hội lần 2, huyện Krông Pắk đã chuẩn bị kỹ càng khâu tiếp đón, bố trí nơi lưu trú, tránh ùn tắc giao thông… phục vụ du khách chu đáo nhất.
Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần 2 diễn ra từ ngày 31/8 đến 2/9 với một loạt chuỗi hoạt động như: trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn, tham quan vườn sầu riêng cổ thụ; hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương; lễ hội đường phố; đêm hội DJ và vũ hội ánh sáng; bắn pháo hoa…
Tỉnh Đắk Lắk có trên 32.00ha sầu riêng, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 9.500ha, diện tích trồng xen khoảng 23.000ha. Đây là tỉnh có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, ước đạt 280.000 tấn.
Riêng huyện Krông Pắk hiện có trên 7.000ha sầu riêng, sản lượng năm nay ước tính trên 92.000 tấn.
Sầu riêng hiện vươn lên vị thế “vua trái cây” của Việt Nam, gia nhập nhóm nông sản “tỷ đô” khi đem lại giá trị xuất khẩu 2,24 tỷ USD năm 2023.Xuất khẩu sầu riêng góp phần quan trọng giúp ngành hàng rau quả lập kỷ lục lịch sử (5,7 tỷ USD).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
1.840 chỉ tiêu tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm huyện Mê Linh
Phiên giao dịch việc làm thu hút nhiều người lao động và học sinh trên địa bàn đến tìm hiểu thông tin việc làm, học nghề và ứng tuyển. Cụ thể, có 32 đơn vị doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển dụng là 1.840 chỉ tiêu.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, huyện Mê Linh có 183.000 người trong độ tuổi lao động; bình quân khoảng 2.500 đến 3.000 người có nhu cầu tìm việc làm.
Cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm cho người lao động… Qua đó, năm 2023, đã giải quyết việc làm cho 2.750 lao động. 4 tháng đầu năm 2024, huyện giải quyết việc làm cho 1.214 người lao động.
Theo ông Lê Văn Khương, mặc dù hiện nay, thông tin thị trường lao động tương đối phổ biến; với sự kết nối tích cực của Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội… nhiều doanh nghiệp đã chủ động thông tin và tuyển dụng lao động phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lao động gặp khó khăn tìm việc làm phù hợp với khả năng, nhu cầu; nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề cũng gặp khó trong tuyển dụng công nhân, học viên, nhất là lao động trình độ, công nhân kỹ thuật.
Vì vậy, phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024 là đầu mối cung cấp cho người lao động những thông tin về cung – cầu lao động để họ lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện và trình độ của mình.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam khẳng định, việc tổ chức phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Mê Linh tiếp tục là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện và khu vực lân cận, tạo cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ được cung cấp về thông tin thị trường lao động.
Từ đó, người lao động học hỏi, trau dồi, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm.
Kết quả tổng hợp của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong 1.640 chỉ tiêu tuyển dụng và xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp tuyển nhiều người lao động vào vị trí du học, xuất khẩu lao động; kinh doanh – marketing; nhân viên kỹ thuật; công nhân sản xuất; bán hàng – thu ngân; nhân viên văn phòng; bếp – thu ngân,…
Các doanh nghiệp đưa ra những mức lương thỏa đáng. Cụ thể, mức lương từ 15 triệu đồng trở lên/tháng dành cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao, yêu cầu người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Mức lương 10-15 triệu đồng/tháng có 314 chỉ tiêu tuyển dụng vào vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng…
Tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh năm 2024 có 200 chỉ tiêu tuyển sinh đa dạng các ngành nghề như: cơ khí, điện tử, thực phẩm và hơn 300 chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động mang lại thêm những lựa chọn công việc, học nghề cho người lao động.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường lao động, xuất khẩu lao động, tư vấn hướng nghiệp, học nghề, tư vấn các kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng tham gia thị trường lao động.
Cùng với đó, Ban tổ chức cũng là chia sẻ các thông tin liên quan đến chính sách pháp luật cho người lao động nói chung cũng như lao động là bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, các gia đình chính sách, người khuyết tật, người chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
- 1
- 2
- 3
- 4
- Next Page »