Theo tờ Korea.net, số lượng lao động nước ngoài có thị thực E-9 (lao động phổ thông) sẽ tăng cao kỷ lục trong năm 2009, từ 120.000 lên 165.000 người (tăng 37,5%).
Trong cuộc họp lần thứ 40 của Ủy ban Chính sách Nhân lực lao động nước ngoài vào ngày 27/11/2023, Bộ Lao động và Việc làm (Hàn Quốc) đã thông qua kế hoạch tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài năm 2024, theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo thị thực E-9 (chương trình EPS).
Kế hoạch mới cho thấy các ngành như nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp sẽ được bổ sung vào danh mục ngành đủ điều kiện tuyển dụng người lao động nước ngoài. Trong đó, ở lĩnh vực nhà hàng, người lao động nước ngoài có thể thử làm trợ lý bếp tại các nhà hàng Hàn Quốc ở 100 khu vực được chọn bao gồm Seoul, Busan và Daegu.
Chính phủ cũng sẽ tăng cường quản lý và hỗ trợ để giúp những người lao động ổn định cuộc sống trong nước một cách thuận lợi, nhằm giảm bớt các vấn đề trong quản lý nguồn nhân lực.
Năm 2004, chương trình EPS cho phép các công ty vừa và nhỏ ở Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên trong nước, được tuyển dụng hợp pháp người lao động phổ thông từ nước ngoài thông qua giấy phép lao động của chính phủ.
Theo hệ thống này, người lao động từ 16 quốc gia có thể vào Hàn Quốc bằng thị thực E-9 và làm việc trong một khoảng thời gian nhất định.
Được biết, Ủy ban Chống Tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc (ACRC) cũng vừa khuyến nghị Bộ Việc làm và Lao động cải thiện chương trình EPS.
Nguyên nhân là do hệ thống EPS luôn hạn chế việc xâm phạm cơ hội việc làm của người Hàn Quốc và được vận hành thông qua các quy định, quản lý nghiêm ngặt.
Điều này dẫn đến tỷ lệ khiếu nại dân sự liên quan đến EPS đã tăng 63% trong năm 2022. Tính đến tháng 8/2023, hệ thống cũng ghi nhận mới 273 khiếu nại.
Trong đó, những khiếu nại dân sự thường liên quan đến việc thay đổi nơi làm việc, tái tuyển dụng hoặc gia hạn, các điều khoản đặc biệt để tái nhập cảnh,… của người lao động nước ngoài.
ACRC đề xuất cần xem xét nới lỏng các quy định về thay đổi nơi làm việc. Đơn cử, một công nhân Myanmar đã nộp đơn xin giấy phép thay đổi nơi làm việc cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người chủ sử dụng lao động đã chậm nộp giấy phép lao động cho trung tâm việc làm một ngày kể từ ngày hết hạn.
Sau đó, trung tâm việc làm đã không cấp giấy phép lao động cho cá nhân trên với lý do không nộp hồ sơ đúng thời hạn. Điều này khiến nam công nhân bị mất cơ hội việc làm do không được Bộ Tư pháp cho phép thay đổi địa điểm làm việc.
Về trường hợp này, ACRC nhận định, lỗi nằm ở người sử dụng lao động, bởi người lao động không thể chủ động nộp đơn đúng hạn.
Vì thế, đơn vị đề xuất cần cải tiến phương thức áp dụng các yêu cầu, tiêu chí chuyển đổi việc làm phù hợp với tiêu chuẩn có thể áp dụng rộng rãi hoặc thay đổi nơi làm việc với các lý do phù hợp với chuẩn mực xã hội; bổ sung những điều kiện bảo vệ quyền của người lao động nước ngoài trong các trường hợp doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.
Ủy ban cũng khuyến nghị tiến hành rà soát các điều kiện để gia hạn cho lao động nước ngoài, loại bỏ các quy định hạn chế, cản trở người lao động chuyển việc và bị phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động khi muốn gia hạn hợp đồng; đơn giản hóa công tác xét duyệt và hoàn thành các quy định tái nhập cảnh cũng.
Đến nay, Bộ Việc làm và Lao động cho biết đang rà soát và lên kế hoạch hoàn thành cải tiến hệ thống cấp phép lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm