Tại cơ sở sản xuất phù chúc của anh Đoàn Hồng Khuyên (43 tuổi, thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), 22 nhân công đang tất bật chạy đua cùng thời gian, mỗi người một công đoạn để đáp ứng đơn hàng tăng cao dịp Tết.
Anh Khuyên cho biết, mỗi năm anh tiêu thụ khoảng 35-40 tấn phù chúc, thị trường chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng. Mỗi ký phù chúc bỏ sỉ là 90.000 đồng. Dịp Tết, đơn hàng tăng 2-3 lần so với ngày thường, sản xuất đến đâu bán hết đến đó, cung không đủ cầu.
Theo anh Khuyên, nghề làm phù chúc đơn giản là ngâm đậu nành khoảng 7-8 tiếng rồi tách vỏ, vệ sinh đậu, xay đậu, lọc tinh bột, nấu lên rồi vớt váng đậu nành (khoảng 20 phút cho một lần vớt), cuối cùng là sấy khô đem bán. Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, yếu tố then chốt là chất lượng.
Anh Khuyên cho biết nguồn đậu nành trong nước không đủ (chỉ khoảng 20%), anh chủ yếu nhập khẩu từ Canada và Mỹ, vì chất lượng đậu tốt, tiêu chuẩn cao và không tạp chất. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh.
“Tiêu chí của cơ sở là đặt chất lượng lên hàng đầu, đưa nguồn thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và ổn định giá. Chất lượng phù chúc tự khách hàng có thể thẩm định, đánh giá nên nếu làm dối, cơ sở đó sẽ khó tồn tại. Ngược lại, làm ăn uy tín, họ sẽ tự tìm đến mình”, anh Khuyên chia sẻ.
Hiện tại, cơ sở sản xuất phù chúc của anh Khuyên tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động tại địa phương với mức lương trung bình 7,5 triệu/người/tháng. Dịp Tết, anh tuyển thêm 4 lao động thời vụ để kịp đơn hàng.
Anh Đoàn Hồng Khuyên là một trong 2 người tiên phong đưa nghề làm phù chúc về làng Phú Vinh. Trước kia, anh Khuyên làm thuê cho một cơ sở sản xuất phù chúc tại TP Đà Nẵng, nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng cao, anh quyết định về quê khởi nghiệp.
Năm 2010, anh cho xây dựng một nhà xưởng rộng khoảng 100m2, vẫn áp dụng nấu thủ công bằng lò củi. Càng làm càng chắc tay, tích lũy được số vốn, anh quyết định hiện đại hóa cơ sở của mình.
Năm 2013, anh Khuyên lên ý tưởng thiết kế, bản vẽ máy móc theo yêu cầu thực tế sản xuất rồi lặn lội vào TPHCM tìm thợ lắp đặt. Tổng vốn anh đầu tư máy móc, mở rộng xưởng lên quy mô 1.000m2 hơn 5 tỷ đồng.
“Thấy hiệu quả kinh tế nên nhiều người trong thôn cũng đến học hỏi và đầu tư mở cơ sở sản xuất phù chúc. Ban đầu, tôi giúp đỡ đầu ra để người dân yên tâm khởi nghiệp. Quan trọng là để mở một cơ sở, phải bỏ ra số vốn không hề nhỏ nên cần cân nhắc kỹ”, anh Khuyên cho hay.
Ông Phan Tấn Dũng – Chủ tịch xã Tiên Hà – cho biết nghề làm phù chúc du nhập về địa phương gần 14 năm nay, hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ rệt. Từ một cơ sở ban đầu, đã phát triển thêm 6 cơ sở khác, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập khá.
Ngoài ra, từ khi nghề làm phù chúc phát triển mạnh ở Phú Vinh kéo theo ngành chăn nuôi tại đây cũng tăng đáng kể về số lượng bầy đàn, từ việc tận dụng phế phẩm xác bã đậu làm nguồn thức ăn cho gia súc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm