Nghề đánh bóng lư đồng
Hơn 20 năm làm nghề đánh bóng lư đồng dịp Tết, ông Phan Văn Hùng (60 tuổi, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã tạo được uy tín vững chắc. Bởi vậy, mỗi dịp cận Tết cổ truyền dân tộc, cơ sở của ông luôn thu hút lượng lớn khách hàng tìm đến.
Cứ khoảng sau ngày 15 tháng Chạp âm lịch, ông Hùng lại bày biện các dụng cụ hành nghề gồm một chiếc mô-tơ và một số vật dụng khác như bánh tẩy, bàn chải, vải sạch…
Với những bộ lư hương đèn loại nhỏ, ông Hùng mất khoảng 1 giờ để lau chùi, bộ lớn hơn thì mất hơn 3 tiếng. Giá cả được định sẵn, loại nhỏ giá 100.000 đồng/bộ, loại lớn 300.000 đồng/bộ. Ngày cao điểm, ông có thể nhận đánh 7 bộ lư hương đèn loại nhỏ.
“Làm riết thành quen, khách hàng tin tưởng nên năm nào cũng tới ủng hộ. Có những năm khách đông quá phải đến chiều 30 mới được nghỉ”, ông Hùng chia sẻ.
Nhiều thợ đánh lư hương, đèn đồng cho biết chỉ sau ngày tiễn ông Táo về trời thì khách đông đến độ làm bở hơi tai, vì sau ngày đó, các gia đình mới dọn dẹp bàn thờ trong nhà.
Bán cát thay lư hương
Nghề bán cát lư hương là một nghề đặc biệt ở xứ Quảng và mỗi năm chỉ có một lần vào những ngày cận Tết. Người bán cát chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn. Những người bán mặt hàng này không mời chào, rao bán ồn ào.
Bà Nguyễn Thị Mai (65 tuổi, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) cho hay, cát thay vào lư hương phải là cát trắng, được sàng lọc kỹ lưỡng, phơi khô cho sạch để không còn dính sạn, sỏi thể hiện sự kính trọng với người đã khuất.
Theo quan niệm của người xưa, bát hương trên bàn thờ không được tự ý xê dịch vì như thế sẽ không tôn kính tổ tiên, người được thờ cúng và động đến bát nhang có thể làm xáo trộn cuộc sống hiện tại của gia đình. Chỉ trừ khi sau tháng Chạp là những ngày dọn dẹp bàn thờ, thay cát bát hương để rước ông bà.
“Tôi bán cát thay lư hương đã hơn 5 năm rồi. Từ sau 23 tháng Chạp, tôi lại mang cát đã được lọc sạch kỹ lưỡng đến tại trước chợ Hội An để bán. Dù thu nhập không quá cao nhưng có ít tiền sắm Tết là vui rồi”, bà Mai chia sẻ.
Nghề khuân vác quất thuê
Hội An được mệnh danh là thủ phủ trồng quất tại miền Trung, Tết Giáp Thìn 2024, địa phương cung ứng hơn 100.000 chậu quất cảnh ra thị trường.
Cận Tết, các thương lái nối đuôi nhau đến làng quất để chở hàng đi tiêu thụ, tạo thêm việc làm cho những lao động vận chuyển quất thuê tại đây.
Phu bốc vác quất thường là người dân địa phương hoặc lao động phổ thông ở các nơi khác tìm đến. Thợ bốc vác quất thường được chia theo nhóm nhỏ 4-6 người, có người đứng đầu giúp liên hệ công việc và đàm phán.
Các nhóm thường thống nhất giá với nhau để bốc xếp, tránh tình trạng tranh giành việc hay bị ép giá. Công việc thời vụ này đem lại thu nhập khá nên nghề “phu quất” thu hút khá đông lao động dịp cuối năm, cận Tết.
Ông Nguyễn Văn Danh (54 tuổi, thị xã Điện Bàn) làm phu bốc quất khoảng 5 năm nay. Ngày thường ông đi phụ hồ, cận Tết hết việc thì xin vác quất thuê. Công việc này đòi hỏi nhanh nhẹn, sức khỏe tốt và cẩn thận.
“Mọi năm sau 15 tháng Chạp, chúng tôi làm không kịp nghỉ. Nhưng năm nay, thị trường tiêu thụ khá chậm, nên càng cận Tết thì công việc mới nhiều lên. Mỗi ngày tôi có thể kiếm được 300.000-600.000 đồng, thêm ít tiền sắm Tết”, ông Danh cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm