Giữa cái nắng gay gắt tháng 3, người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu thu hoạch tỏi vụ Đông – Xuân, khoảng 300ha. Để tránh nắng, khi cắt tỏi, bà Trần Thị Tình phải mặc chiếc áo thật dày, đeo găng tay kín, đội nón rộng và mang 2 lớp khẩu trang.
Với 4 sào tỏi (mỗi sào 500m2) cho năng suất khoảng 2 tấn tỏi tươi, bà Tình buồn rầu cho biết “chỉ đủ bù chi phí sản xuất” vì giá tỏi tươi quá thấp. Trước Tết, giá tỏi tươi hơn 100.000 đồng/kg nhưng giờ đây chỉ còn 40.000-50.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khó khăn.
Không may mắn như bà Tình, ông Phạm Tấn Hải trồng 5 sào tỏi nhưng chỉ thu được 400kg tỏi tươi. Hàng loạt cây tỏi của gia đình ông năm nay phát triển kém, tỷ lệ cây chết cao, củ nhỏ.
“Tỏi tươi có giá 40.000-50.000 đồng/kg, giá này mà bán hết là coi như lỗ công. Nhà nào bí quá mới bán một ít trả tiền phân, thuốc cho đại lý, phần còn lại phơi khô, đợi giá tăng lên mới bán”, ông Hải chia sẻ.
Theo ông Hải, 4 năm qua, năng suất tỏi Lý Sơn liên tục giảm. Sản lượng chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với thời điểm trước đó. Năng suất giảm nhưng giá tỏi không tăng khiến người nông dân có nguy cơ lỗ.
“Vụ tỏi kéo dài khoảng 4 tháng, trong khi thời tiết trên đảo Lý Sơn khá khắc nghiệt, kéo chi phí sản xuất tăng. Mỗi sào tỏi, nông dân huyện đảo Lý Sơn phải đầu tư 14-15 triệu đồng”, ông Hải nói thêm.
Theo các nông dân, để tránh lỗ, phần lớn người dân Lý Sơn phơi khô, trữ tỏi chờ tăng giá. Thế nhưng, nhiều năm qua, giá tỏi khô cũng tăng, giảm thất thường. Có năm, giá tỏi khô thấp hơn cả giá củ tươi đầu vụ. Do đó, tại huyện đảo Lý Sơn còn tồn đọng hàng nghìn tấn củ khô. Nhiều đơn vị phải chung tay hỗ trợ mới “giải cứu” hết tỏi cho người dân.
Năng suất giảm do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, sâu bệnh nhiều hơn. Đây là điều đáng lo với người trồng tỏi, tuy nhiên đáng lo hơn là giá tỏi liên tục giảm. Bởi lẽ, tỏi Lý Sơn đã có thương hiệu, chất lượng đứng đầu cả nước. Thế nhưng tỏi Lý Sơn vẫn không thể cạnh tranh với tỏi trồng ở các nơi khác.
Những hộ dân trồng tỏi ở Lý Sơn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá tỏi Lý Sơn biến động do thiếu liên kết trong sản xuất. Do vậy, cần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Theo ông Võ Trí Thời, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, địa phương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời hỗ trợ người dân tìm kiếm doanh nghiệp ký kết cung ứng tỏi lâu dài.
“Việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ là cầu nối quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp nhằm bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Làm được điều này sẽ từng bước đưa tỏi Lý Sơn thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Thời chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm