Gen Z mong lãnh đạo tôn trọng sự đa dạng
Một người sếp có tinh thần cởi mở, thích nghi tốt với thời đại mới là tiêu chí “thần tượng” của chị Hồng Ánh (25 tuổi, ở TP.HCM).
Theo chị Hồng Ánh, hiện nay có một lực lượng lao động trẻ, nhất là gen Z (Generation Z, là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; một số người cũng nói rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010), với nhiều lối sống khác biệt. Khi vào nhận việc ở một công ty mới, điều mà họ mong muốn chính là lãnh đạo tôn trọng sự đa dạng về sở thích, nhu cầu, cách tiếp cận công việc của nhân viên.
“Tất nhiên đó không phải là leader (người lãnh đạo) chiều chuộng nhân viên, mọi thứ chỉ nhằm hướng đến môi trường lành mạnh và công việc chung đạt hiệu quả. Hiện nay người lao động trẻ gặp khá nhiều “xung đột thế hệ” với lãnh đạo khi bị phàn nàn về ngoại hình, tóc tai, cách ăn mặc…, và đôi khi điều này khiến nhân viên cảm thấy không được tôn trọng. Tôi nghĩ ai cũng hướng đến môi trường chấp nhận và tôn trọng những lối sống khác nhau”, chị Hồng Ánh nói.
Trong khi đó, sếp công bằng lại là mẫu hình mà anh Nguyễn Đăng Khoa (24 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng lý tưởng. “Sếp công bằng, phân chia công việc đồng đều, biết bảo vệ nhân viên của mình, phân định rõ đúng sai là người mà tôi nghĩ nhân viên nào cũng muốn được làm việc cùng”.
Cương nhu đúng lúc, dễ chia sẻ với nhân viên
Chị Võ Thị Mai Thanh, Giám đốc kinh doanh (Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt), tin rằng một người sếp tạm gọi là lý tưởng thì phải biết cương nhu đúng chỗ, có thái độ và hướng xử lý vấn đề phù hợp, tùy trường hợp mà nghiêm khắc hay thoải mái với cấp dưới.
“Nhưng khi nghiêm khắc với nhân viên cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải. Mình không nên chỉ trích một cá nhân nào vì nó có thể làm họ mặc cảm và tự ti. Để góp ý một cá nhân, nên ngồi riêng để trao đổi. Trong công việc có thể nghiêm khắc nhưng sau giờ làm, thi thoảng mình có thể tổ chức một buổi vui chơi như đi ăn, đi karaoke để cùng kết nối. Mọi người sẽ gắn bó, thân thiết và dễ thấu hiểu cho nhau hơn”, chị Mai Thanh chia sẻ.
Là giám đốc của Công ty TNHH khách sạn Vũ Gia, bà Nguyễn Thị Ái Xuân cũng cho rằng môi trường làm việc tốt là các lãnh đạo xem nhân viên như người nhà. Bà Ái Xuân chia sẻ: “Tôi luôn hướng đến và nói với mọi người hãy quan tâm, chăm sóc nhau như người trong nhà, anh chị em bạn bè”.
“Muốn một người lao động ở lại, gắn bó với công ty mình lâu dài, thì ngoài các khoản lương, thưởng, chế độ phúc lợi rõ ràng ra, công ty cần chăm lo cho đời sống của họ và gia đình. Tôi cũng cố gắng nắm bắt để hỗ trợ nhân viên gặp khó khăn kinh tế. Khi họ yên tâm sống hạnh phúc thì khi đó mới làm việc tốt và hết mình”, bà Ái Xuân nói tiếp.
Lãnh đạo phải có chuyên môn, biết dẫn dắt
Trong khi đó, chị Lê Thị Mỹ Nhật, phụ trách bộ phận tuyển dụng của Công ty CP đầu tư và dịch vụ Saigon Real, cho hay đa số người lao động đều mong muốn làm việc cùng người sếp mà họ có thể chia sẻ khi gặp khó khăn và dễ dàng trao đổi công việc.
Ngoài ra, chị Mỹ Nhật lưu ý sếp cũng phải là người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt để hướng dẫn cho người lao động, giúp họ học hỏi, biết thêm nhiều điều mới.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Hiệp, đang học cao học tại Hà Lan, trước đây từng là quản lý nhân sự cấp cao của nền tảng thương mại điện tử Lazada, cũng đánh giá đa số người lao động luôn mong muốn có một người sếp giỏi chuyên môn, biết cách dẫn dắt, quản lý thành tích của đội ngũ.
Theo anh Hoàng Hiệp, lãnh đạo cần là người có thể lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Từ đó, mới tạo ra được môi trường làm việc lành mạnh, tin tưởng lẫn nhau, có áp lực vừa phải để mọi người cùng nhau phát triển.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h