Sau ảnh hưởng khô hạn, đến nỗi lo dông lốc
Từ đầu tháng 5 đến nay, người trồng sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) bước vào giai đoạn thu quả chín đầu mùa để cung ứng cho thị trường. So với mọi năm, mùa thu hoạch năm nay đến sớm, song lượng quả thu về không cao do cây bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Thanh, người trồng sầu riêng huyện Đạ Huoai chia sẻ: “Đợt nắng hạn vừa qua khiến trái bị rơi rụng lên đến 25-30%”.
Cũng theo ông Thanh, hiện huyện đã có mưa, song tần suất không nhiều, lượng mưa không cao nên gia đình ông vẫn chưa chủ động được nước tưới. Để duy trì vườn 2ha, gia đình ông Thanh phải bòn mót nước từ 2 giếng khoan và nối ống, bơm hút từ các hố nước cách nhà gần 1km.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đạ M’Ri (thị trấn Đạ M’Ri, huyện Đạ Huoai), mùa khô năm nay kéo dài, nhiệt độ ban ngày có giai đoạn vượt mức 36 độ C, dẫn đến tình trạng sầu riêng rụng trái.
“Đây là mùa sầu riêng bất lợi nhất của chúng tôi. Mùa mưa năm ngoái, lượng mưa quá nhiều khiến cây bị úng rễ, chết hoặc đổ gãy, gây thiệt hại lớn. Bước sang mùa khô, nguồn nước tưới thiếu trầm trọng, kết hợp nền nhiệt cao nên trái trên cây tự rụng hàng loạt.
Ở nhiều khu vực, do quá khô hạn nên nhà vườn chỉ ráng giữ được cây to còn cây nhỏ buộc phải bỏ”, ông Sơn nói.
Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Đạ M’Ri có khoảng 350ha sầu riêng các loại, trong đó có 324ha kinh doanh. Mùa vụ năm 2023, hợp tác xã này đạt tổng sản lượng trên 7.000 tấn, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, do sự khắc nghiệt của thời tiết, năng suất sụt giảm nên dự kiến tổng sản lượng vào khoảng 5.000 tấn.
Giá cao nhưng lợi nhuận không như kỳ vọng
“Giá đầu mùa ở mức 50.000-55.000 đồng/kg sầu riêng Ri6, 70.000-75.000 đồng/kg sầu riêng Thái. Đây là mức giá khá tốt nhưng biên độ lợi nhuận dành cho nhà vườn không như kỳ vọng do năng suất cây bị sụt giảm, chi phí đầu vào tăng hơn 15%…”, ông Nguyễn Thanh Sơn phân trần.
Đầu mùa, sầu riêng “hái ra tiền” song người trồng lại canh cánh lo sợ khi mùa mưa đang đến.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, những năm trước, tại địa phương từng xuất hiện dông, lốc xoáy khiến sầu riêng rơi rụng, thậm chí cây bị gãy cành, ngã đổ.
“Năm nay, dự báo thời tiết có nhiều bất lợi nên khả năng xảy ra dông lốc rất lớn. Quả lủng lẳng trên cây, tháng 8 mới hết vụ thu hoạch nên chúng tôi rất lo sợ”, ông Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hợp tác xã đã phổ biến đến các hộ thành viên về việc dùng dây nilon để neo giữ trái, cột và dùng các cọc chống để giữ cành lớn.
“Hợp tác xã chúng tôi có các lứa sầu riêng 5-20 năm tuổi. Đa phần cây vào giai đoạn kinh doanh cho năng suất khoảng 1,5-2 tạ/cây. Do vậy, nếu không thực hiện các biện pháp bảo vệ kịp thời, khi xuất hiện dông lốc sẽ thiệt hại rất lớn”, ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, địa phương hiện có khoảng 4.500ha sầu riêng các loại, trong đó có 3.200ha cho kinh doanh với tổng sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm. Năm nay, do ảnh hưởng khô hạn kéo dài nên năng suất sầu riêng sụt giảm.
“Sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao và ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương luôn khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sản xuất tốt. Đồng thời khuyến cáo không thu non để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất nhằm nâng cao giá trị”, ông Nguyễn Văn Tú nói.
Hiện nay, chính quyền huyện Đạ Huoai chỉ đạo các ngành, địa phương đảm bảo an ninh trật tự, phối hợp cùng nông dân bảo vệ vườn sầu riêng, ngăn chặn tình trạng trộm cắp; đồng thời, tổ chức ổn định thị trường, ngăn chặn việc tranh mua, tranh bán.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm